Breaking news:
Trang chủ » , , , , » Lý tưởng của Đảng chính là sức mạnh tinh thần cho quân đội của nhân dân

Lý tưởng của Đảng chính là sức mạnh tinh thần cho quân đội của nhân dân

Viết bởi Unknown on 18 tháng 3, 2013 | 20:47

Gần đây, trong cuộc vận động rộng lớn toàn quốc góp ý sửa đổi Hiến pháp, có người đề xuất việc phi chính trị hoá quân đội, để cho quân đội không tham gia chính trị, mà đứng trung lập, chỉ giữ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chính quyền. Đây là một ý kiến cần được bàn thảo kỹ, để mọi người cùng thấy rõ đúng sai. 

Diễu binh trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 10/10/2010
Tất cả mọi người chúng ta đã biết nếu chỉ tính từ ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân theo chỉ thị của Bác Hồ, thì cho đến nay, quân đội ta đã có 69 năm lịch sử.

Từ đội quân ban đầu có 34 chiến sỹ với tên gọi "Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân" làm lễ thành lập ở khu rừng Trần Hưng Đạo, đội quân “từ nhân dân mà ra”, “vì nhân dân mà chiến đấu” được Đảng giáo dục, rèn luyện đã không ngừng lớn mạnh, đi từ Bắc chí Nam, cùng toàn dân làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và các cuộc kháng chiến, quét sạch quân xâm lược.

Bác Hồ nhiều lần căn dặn: “Dựa vào dân, có dân thì có tất cả, dựa chắc vào dân thì nhất định thắng. Phải lấy chi bộ làm hạt nhân”. Cán bộ chính trị, chính trị viên là linh hồn của đơn vị. Chiến sỹ được giáo dục lý tưởng nên có sức mạnh tinh thần để “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Quân đội nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đảm nhiệm được vai trò lịch sử làm nòng cốt cho toàn dân đoàn kết kháng chiến, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược dù chúng có lớn mạnh đến đâu.

Quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc là những dẫn chứng sáng ngời của chân lý lực lượng vũ trang của nhân dân phải gắn chặt với lý tưởng của Đảng, bởi vì “hình của Đảng lồng trong hình của Nước”, quân đội ta “từ nhân dân mà ra”, “vì nhân dân mà chiến đấu”, “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, nên được dân quý, được dân mến muôn phần.

Trên lá cờ chiến đấu của quân đội nhân dân chỉ có một khẩu hiệu cao quý: Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh tinh thần của quân đội ta bắt nguồn từ đường lối quân sự của Đảng kết hợp với truyền thống dân tộc “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”,“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc, quân đội ta được Đảng lãnh đạo, đã phát huy được sức mạnh của lòng yêu nước của toàn dân, kết thành một làn sóng nhấn chìm mọi kẻ cướp nước.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ, quân đội ta được Đảng lãnh đạo đã hết lòng giác ngộ quần chúng, kể cả đối với những phần tử phản động đội lốt tôn giáo, u mê theo địch phản bội Tổ quốc, chống phá cách mạng nhưng bộ đội Cụ Hồ vẫn kiên trì giáo dục, khuyên can, không dùng bạo lực đàn áp, để cuối cùng chúng phải tan rã hàng ngũ.

Đến thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước, được sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta đã vừa là đội quân bảo vệ biên cương, vừa là đội quân công tác, góp phần xây dựng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, cứu hộ cứu nạn, giúp dân chống thiên tai địch hoạ.

Quân đội ta đã là lực lượng vũ trang được sự tin cậy của nhân dân chính bởi vì các anh bộ đội Cụ Hồ đã làm tốt nhiện vụ chính trị, vì dân, vì nước như Đảng đã vạch ra. Tính chính trị và tính nhân văn gắn kết, thống nhất. Ngay từ bước khởi đầu giao nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy quân đội cho Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải nắm chắc nguyên tắc chính trị trọng hơn quân sự”.

Ngày nay, nếu theo chủ thuyết phi chính trị hoá quân đội, thực hiện đặt quân đội vào vị trí trung lập thì không biết người cầm súng sẽ theo đuổi mục tiêu nào? Lý tưởng nào? Hoặc họ sẽ trở thành những cái máy bắn súng tự động hoá?

Nếu phi chính trị hoá quân đội thì người lính dứt khoát sẽ trở thành anh lính đánh thuê, không lý tưởng, không mục tiêu cao cả.

Thật ra, thuật ngữ phi chính trị hoá quân đội đã ra đời từ những năm 80 của thế kỷ 20, xuất phát từ những nước tư bản đế quốc.

Trong chiến lược diễn biến hoà bình, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ra sức truyền bá khẩu hiệu phi chính trị hoá quân đội, để làm cho các lực lượng vũ trang của nhân dân mất phương hướng đấu tranh, làm cho quân đội bị tha hoá, biến chất, mất tinh thần và ý chí chiến đấu, làm cho đất nước mất chỗ dựa vững chắc để tồn tại và phát triển.

Phi chính trị hoá quân đội thì nhân dân ta dựa vào đâu để xây dựng và bảo vệ một đất nước hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh? Không ai phủ nhận được rằng: Chỉ có một lý tưởng chính trị cao cả vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, quân đội nhân dân ta mới có một sức mạnh tinh thần để “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Theo VGP News
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com