Breaking news:
Trang chủ » , » Xử lý dứt nợ xấu, tạo niềm tin trong nhân dân

Xử lý dứt nợ xấu, tạo niềm tin trong nhân dân

Viết bởi Unknown on 8 tháng 10, 2012 | 22:04


Nội dung Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9-2012 vừa được Chính phủ ban hành ngày 5-10 nêu rõ nhiều nội dung quan trọng như việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay sản xuất kinh doanh, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém trong năm 2013, quản lý chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc làm tăng chi phí đầu vào...


Không để lạm phát tăng trở lại
 
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, phối hợp với chính sách tài khóa để giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay cho sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại.

Bên cạnh đó, tăng mức tín dụng cho khu vực nông nghiệp, thủy sản và các ngành nghề có khả năng tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm mức tăng tổng phương tiện tiện thanh toán như chỉ tiêu đề ra.

Năm 2013, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp kịp thời, phù hợp để tăng cường kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng; trong năm 2013, khẩn trương xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Tăng cường dự trữ ngoại tệ; kiểm soát chặt chẽ tỉ giá phù hợp với tín hiệu thị trường; bảo đảm đủ nguồn vốn cho học sinh, sinh viên vay để học tập.

Gia hạn thêm 3 tháng đối với thuế giá trị gia tăng

Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục gia hạn thêm 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 6 năm 2012 đã được gia hạn của doanh nghiệp là các đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường biện pháp huy động và giải ngân vốn ODA, FDI.

Khẩn trương đổi mới phương pháp, cách thức thống kê phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính chính xác của số liệu các chỉ tiêu quốc gia về kinh tế - xã hội, phục vụ thiết thực sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Các bộ, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ trong quản lý thị trường, giá cả, tăng cường các điểm bán hàng bình ổn giá. Quản lý, điều hành các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, điện, than, dịch vụ công một cách phù hợp.

Chưa công bố điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở địa phương

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ quản lý chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chưa công bố điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần có lộ trình thực hiện phù hợp theo hướng lùi thời hạn áp dụng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giải thích chính sách mới về dịch vụ y tế để tạo sự đồng thuận của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất

Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ. Tiếp tục phát huy những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển; khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các hoạt động dịch vụ, du lịch có giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ việc tiêu thụ hàng tồn kho cho các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; đảm bảo cân đối đủ hàng hóa cho nhu cầu sản xuất và đời sống, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương có biện pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ găm hàng, thao túng giá, đẩy giá lên cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho thị trường, nhất là dịp cuối năm.
 
Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế

Các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo lĩnh vực được phân công; trước hết, đẩy mạnh tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tập trung vào ngành nghề chính, sắp xếp lại quy mô cho phù hợp với thị trường, năng lực tài chính; đẩy mạnh cổ phần hóa; tăng cường năng lực quản trị gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo của người đứng đầu các doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường năng lực dự báo vĩ mô để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo mới thoát nghèo

Về Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Nghị quyết nêu rõ bảo hiểm y tế toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Trong quá trình xây dựng lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, cần đề xuất cơ chế, chính sách nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng: người thuộc gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, nông dân, ngư dân, diêm dân có mức sống trung bình.

Nghiên cứu để tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo; có biện pháp để tăng tỷ lệ người lao động trong các loại hình doanh nghiệp tham gia bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm.

Từ năm 2013, các bộ, ngành, địa phương, phải đưa tiêu chí về bảo hiểm y tế vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 80%.

(Chinhphu.vn)
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com