1. Đảng kế tục lịch sử và làm nên lịch sử
Với tất cả tinh thần khiêm tốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh và lãnh đạo Đảng ta khẳng định: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao”. Chứng minh sự vĩ đại ấy không phải là mục đích của bài viết, vả lại đã có rất nhiều người làm rõ một sự thật hiển nhiên này. Với sự hiểu biết của mình về lịch sử chúng tôi chỉ xin nói: Đảng kế tục lịch sử và làm nên lịch sử.
Có những người “phán xét” lịch sử, hồ đồ tuyên bố: Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là “một sai lầm lịch sử”. Lẽ ra cuộc cách mạng năm 1945 và sau này nên đi theo con đường thỏa hiệp “hòa bình” để tránh đổ máu!!!... Đó là những lời nói không hiểu lịch sử. Không hiểu (hay cố tình không hiểu) lịch sử hiện đại, đã đành và cố nhiên càng không hiểu quá khứ vẻ vang của cha ông. Về lịch sử hiện đại, họ đã làm ngơ trước những sự thật ai cũng biết. Chỉ cần đưa ra một vài số liệu: Trước năm 1945, 95% dân số nước ta mù chữ, trong khi đó, thực dân Pháp “khai hóa” đất nước này bằng rượu cồn và thuốc phiện. Con số đã nói lên bản chất của vấn đề: “…hằng năm người ta cũng đã tọng từ 23 đến 24 triệu lít rượu cho 12 triệu người bản xứ, kể cả đàn bà và trẻ con” (1); “…người An Nam lại đã có những 10 trường học, những 1.500 đại lý rượu và thuốc phiện cho 1000 làng…” (2). Còn đây là “dân chủ” thực dân: Một “hội đồng quản hạt” được lập ra để “bảo vệ” những cái “có lợi” cho người An Nam có những 18 người Pháp, và chỉ có… 6 người An Nam! (3). Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc với thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” đã mượn lời của Vin-hê Đốc-tông, một nhà văn Pháp để lột trần bản chất bóc lột của người Pháp, đúng là bóc lột đến tận xương tủy người dân An Nam khốn khổ: “Sau khi cướp hết những ruộng đất màu mỡ, bọn cá mập Pháp đánh vào những ruộng đất cằn cỗi những thứ thuế vô lý gấp trăm lần thuế đất thời phong kiến”(4). Đỉnh cao của tội ác, tức sự thật thứ hai: Năm 1945 thực dân Pháp và phát-xít Nhật đã làm hai triệu dân ta chết đói, tức là chúng đã phạm tội diệt chủng, giết chết gần 1/10 dân số một đất nước. Có thể nói trong lịch sử hàng nghìn năm chưa bao giờ đất nước vẻ vang “con Rồng cháu Tiên” lại rơi vào thảm cảnh khốn cùng như thế. Để cứu một dân tộc đang bị tàn lụi vì bị đầu độc, đang bị chết đói bởi sự dã man thú vật của kẻ thù, lại có một con đường “thỏa hiệp” với chính kẻ đang hút máu nhân dân mình ư? Và kẻ thù xâm lược ấy chỉ có một mục đích là hút máu nhân dân mình, thì thử hỏi “thỏa hiệp” với ai và bằng cách nào? Đúng là một lối nghĩ ảo tưởng, mơ hồ!
Những người cộng sản lãnh đạo dân tộc ta làm nên kỳ tích lịch sử năm 1945 không hề thỏa hiệp với kẻ thù nhưng rất biết nhân nhượng với kẻ thù vì mục đích hòa bình. Hãy đọc lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-12-1946: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!” (5).
Đấy chỉ là một vài lời nhắc về những chuyện mà dân tộc ta không thể quên trong thế kỷ XX.
Còn quá khứ. Cũng chẳng cần nói lại lịch sử đánh giặc giữ nước của cha ông ta, mà chỉ đưa ra những số liệu đã được thừa nhận, những vấn đề đã được chứng minh:
Tính cách người Việt luôn hướng tới cái trong sáng, cái cao cả, chết trong còn hơn sống đục. Dù có đang sống nơi giàu sang nhưng vẫn hướng về quê nhà, không đâu bằng quê nhà, có thể là nghèo nhưng trong sáng êm đềm: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Con cò trong ca dao là biểu trưng cho người nông dân Việt dù chẳng may chịu cảnh sa cơ lỡ bước, dù có chịu chết nhưng vẫn hướng tới sự trong sạch: ...Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Tính cách này đã tạo ra một đặc điểm tôn thờ, ngưỡng vọng cái cao cả, cái anh hùng trong tâm lý dân tộc Việt.
Sinh sống ở mảnh đất có nhiều kẻ thù, cả "hai chân, bốn chân và không chân" nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Theo thống kê của GS Ngô Đức Thịnh thì riêng tỉnh Bắc Ninh, trong số 600 vị Thành hoàng thì có 469 là nhân thần, trong đó đa số là các nhân vật lịch sử hay nhân vật huyền thoại nhưng đã được lịch sử hóa. Ở Hà Tây (cũ) trong số 185 vị Thành hoàng là nhân thần thì có khoảng 2/3 là nhân vật lịch sử. Tỉnh Nam Hà (cũ) Trần Hưng Đạo được thờ ở 400 làng xã (6). Trong các vị “tứ bất tử” thì có hai vị là anh hùng, Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Đấy là cách người Việt ghi công các anh hùng, như Thánh Gióng đuổi giặc hai chân là kẻ thù xâm lược, như Sơn Tinh đuổi giặc bốn chân là thú dữ và không chân là thiên tai. Thậm chí sự ngưỡng vọng của người Việt còn nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng bay lên trời sống cùng các vị Tiên và dĩ nhiên là phong thánh bất tử cho họ. Cho nên cũng dễ hiểu Đền thờ Đức Thánh Trần có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta. Có thể nói phẩm chất anh hùng quyết không bao giờ chịu nô lệ cho kẻ ngoại bang có ở trong máu của mỗi người Việt, nhất là mỗi khi có kẻ thù xâm lăng thì phẩm chất ấy càng trỗi dậy mạnh mẽ.
Trí tuệ của Đảng ta là đưa cách mạng Việt Nam vào đúng cái mạch của lịch sử. Có thể nói, cách mạng tháng Tám vĩ đại, sự thắng lợi mang tầm thời đại là đuổi hai đế quốc xâm lược Pháp và Mỹ, không chỉ có sức mạnh của dân tộc thế kỷ XX mà còn là sức mạnh của lịch sử, sự kế thừa và tiếp bước lịch sử.
2. Bài học “Quốc trị, thiên hạ mới bình”
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ tư Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, phóng viên báo Praxa Thipatay (Thái Lan) phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề hòa bình trong khu vực. Người nói: “Việt Nam phải kháng chiến tranh lại thống nhất và độc lập thật sự đã, sau mới có thể bàn đến việc khác. Đức Khổng Tử có dạy rằng: "Quốc trị, thiên hạ mới bình”(7).
Mỗi quốc gia hãy thật yên ổn đã, thì tự nhiên thế giới sẽ hòa bình. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay bài học này càng đậm tính thời sự. Bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động là không bao giờ thay đổi. Muốn vậy chúng sẽ tìm mọi cách gây mất ổn định chính trị để từ đó tạo cớ can thiệp hoặc làm suy yếu để dễ bề xâm lấn, tiến đến thôn tính. Do vậy đối với tình hình cách mạng nước ta hiện nay mục tiêu cơ bản, bao trùm là giữ vững ổn định chính trị để phát triển đất nước.
Chỉ có Đảng ta chứ không thể có bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác gánh vác thay, làm thay sứ mệnh cực kỳ hệ trọng này. Và cũng không thể có bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác có đủ uy tín, đủ năng lực, đủ vai trò để làm công việc lớn lao đó.
Một Đảng từ hai bàn tay trắng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân; một Đảng đã lãnh đạo toàn dân đuổi các đế quốc xâm lược lớn nhất thế giới; một Đảng đã lãnh đạo công cuộc đổi mới tạo ra những thắng lợi thành tựu ấn tượng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá, xã hội... thì Đảng đó đủ tín nhiệm, đủ trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin... để lãnh đạo toàn dân ta tiếp tục tiến bước theo con đường đã chọn đưa dân tộc lên đài vinh quang, đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc.
Lịch sử thế giới đương đại cho chúng ta một bài học: Thể chế chính trị nào không được dân tin, không được dân ủng hộ lại bị thế lực nước ngoài can thiệp, o bế, nuôi dưỡng, giúp đỡ lực lượng phản động bên trong thì thể chế chính trị ấy sớm muộn sẽ bị diệt vong. Với vai trò là một Đảng cầm quyền, Đảng ta đang đứng trước những thử thách lớn: Một là, tăng cường hơn nữa niềm tin của dân vào Đảng. Muốn thế, không còn cách nào khác Đảng phải tự làm trong sạch mình, tự mình trau dồi bản lĩnh, trí tuệ của mình bằng cách tăng cường mối liên hệ mật thiết với dân, xứng đáng hơn nữa “là người đầy tớ thật trung thành” của nhân dân. Hai là, mở rộng đối ngoại đa phương với phương châm Việt Nam là bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lợi ích, tôn trọng độc lập tự chủ của các bên. Ba là, không được một phút lơ là mất cảnh giác mà phải luôn mài sắc tinh thần chủ động chống lại sự can thiệp từ bên ngoài và trấn áp các phần tử đi ngược lại lợi ích dân tộc.
3. Đảng lãnh đạo thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"
Một Đảng đã đưa dân tộc này theo đúng quỹ đạo của lịch sử thì sẽ được lịch sử ủng hộ. Không một thế lực nào, một đảng phái nào làm thay được vai trò lịch sử của Đảng ta.
Có những kẻ cơ hội dựa vào một số sai lầm của Đảng ta để kêu gọi sửa đổi Điều 4 Hiến pháp đòi thay đổi vị trí lãnh đạo cách mạng của Đảng. Phải thấy một chân lý giản đơn rằng, con người ta ai cũng có sai lầm, có làm việc là có sai lầm, có cái sai mới dẫn đến có cái đúng. Với quan niệm rộng lượng mà triết lý, cụ thể mà phổ quát, người Việt ta có câu “ngọc còn có vết” là vì thế. Huống hồ Đảng ta lãnh đạo toàn dân ta làm cách mạng đổi thay cả một thời đại, công việc cực kỳ phức tạp như thế, biết bao khó khăn gian nan chồng chất, thù trong giặc ngoài hiểm nguy như vậy, lại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thì tránh sao được sai lầm. Nhưng Đảng ta đã nhanh chóng nhận ra và sửa chữa để rồi qua 27 năm đổi mới đưa nước ta có những bước tiến vượt bậc. Và dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận một thực tế là vẫn có nhiều, còn nhiều “những con sâu” ở ngay trong hàng ngũ Đảng. Nhưng ai là những người “bắt sâu”? Đảng ta, dân ta, tất cả chúng ta cùng chung tay “bắt”, đừng đứng ngoài mà kêu làm rối công việc chung.
Việc đòi bỏ điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình. Phi lý ở chỗ với vai trò lịch sử của mình không một ai có thể làm thay Đảng ta công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh; chẳng hợp tình ở chỗ cố tình quên lịch sử, cố tình quên những hy sinh xương máu của Đảng ta, dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cố tình quên công lao, đóng góp, vai trò lãnh đạo tiên phong của Đảng ta trong công cuộc đổi mới đã và đang thắng lợi toàn diện. Thậm chí có thể nói đó là việc làm nguy hiểm bởi nó đe dọa sự tồn vong của cả dân tộc này.
Khép lại bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều: "Dẫu rằng vật đổi sao dời/ Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh" Thiên tài Nguyễn Du đã nhắc nhở: Đứng giữa giông gió của cuộc đời, hơn lúc nào hết phải kiên định một bản lĩnh, một lập trường, một niềm tin. Đó là bản lĩnh cộng sản, là lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và một niềm tin vào Đảng ta vĩ đại!
Theo QĐND
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến