Breaking news:
Trang chủ » , , , , , » Phi vụ kiếm tiền của Huy Đức - Kỳ 2: Nguy hiểm của sự lập lờ

Phi vụ kiếm tiền của Huy Đức - Kỳ 2: Nguy hiểm của sự lập lờ

Viết bởi Unknown on 24 tháng 2, 2013 | 22:46

Bên thắng cuộc của tác giả Huy Đức (đang tham dự một khóa tu nghiệp tại Đại học Harvard, Mỹ) đã xuất bản phát hành trên mạng, gây sự chú ý của công luận. Tác giả nhìn lại một giai đoạn lịch sử đã qua của nước ta từ sau ngày giải phóng, với góc nhìn phiến diện, thậm chí xuyên tạc, phủ nhận thành tựu cách mạng. 
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 20-9-2010 về những thành tựu to lớn của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Nguy hiểm của sự lập lờ
 
Chỉ phần 1 Bên thắng cuộc (Giải phóng) của tác giả Huy Đức thôi, tư liệu đã ngồn ngộn, hiếm có tài liệu nào phong phú như thế. Tác giả đã sưu tầm, tra cứu, tìm hiểu và cung cấp những thông tin được cho là hàng hiếm, hàng “độc”. Nhưng đọc kỹ những gì tác giả thể hiện trong tác phẩm, người đọc có quyền nghi ngờ.

1. Xuyên suốt quyển sách, tác giả cố làm cho rõ ràng những chuyện của bên thắng cuộc. Tác giả không gọi tên “bên thua cuộc” nhưng với những gì thể hiện trong cuốn sách thì không thể không có câu hỏi được đặt ra: Bên còn lại là gì nếu không phải là “bên thua cuộc”? Và “bên thua cuộc” là ai? Với những gì trong tập sách, dường như tác giả muốn nói đến chính những người đồng bào của mình - như một sự mặc định?

Ở điểm này, tôi có hai điều băn khoăn. Thứ nhất, trong sách tuy Huy Đức không nhắc gì đến “bên thua cuộc” thực sự nhưng dường như tác giả đã lẫn lộn hoặc cố tình lập lờ về bản chất của cuộc chiến tranh tại Việt Nam những năm 1954 - 1975. Đó là một cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, từ việc dựng lên chính quyền tay sai rồi đến trực tiếp đưa quân tham chiến. Chiến thắng năm 1975 thực sự là chiến thắng của dân tộc Việt Nam đối với chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đế quốc Mỹ sau nhiều năm can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp, hao tốn nhiều tiền của và sinh mạng, đồng thời cũng gây bao nhiêu đau thương, mất mát cho dân tộc ta, chính là kẻ thua cuộc. Thứ hai, tác giả đã “xô” tất cả những người vốn là nạn nhân - gián tiếp hoặc trực tiếp - của chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam vào “bên thua cuộc”. Dường như Huy Đức đã để cho người đọc thấy rằng những người đó đã “ngoi ngóp” với những sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước bấy giờ. Kỳ thực, tất cả không hoàn toàn như Huy Đức thể hiện.

Chúng ta đều biết có những cá nhân trưởng thành, thành danh từ chế độ cũ và tài năng đã thăng hoa sau ngày thống nhất đất nước. Diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín là một thí dụ. Anh thực sự được mọi người nhớ đến với vai chính Nguyễn Thành Luân - hình tượng nghệ thuật của nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo - trong bộ phim “kinh điển” Ván bài lật ngửa. Hay nhà kinh tế học, một nhân sĩ rất nổi tiếng là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (1921 - 2003), người từng 2 lần làm quyền Thủ tướng của chế độ Sài Gòn, sau này trở thành đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là cố vấn kinh tế cho các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt…

Chúng ta cũng đều nhớ rằng sau ngày 30-4-1975, khi Tổng Bí thư Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, ông nắm tay đưa lên cao, nói với giọng đầy cảm xúc: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Vâng, đối với người Việt Nam, đây là một thắng lợi chung của cả dân tộc chứ không phải thắng lợi của ai đó và số khác bị thua cuộc. Nhìn lại suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hầu như gia đình nào cũng có mất mát. Rất nhiều gia đình có người theo bên này hoặc bên kia, ngay cả sự đối đầu nhau về ý thức hệ, về chiến tuyến cũng đã là mất mát. Rồi tính mạng và tài sản, tự do và hạnh phúc…, buộc người ta phải lựa chọn, đánh đổi ở hầu hết các gia đình tại miền Nam.

Không chỉ vậy, rất nhiều đàn ông hiện tuổi từ 60 trở lên, trước năm 1975 đã phải hủy hoại thân thể để tránh đi quân dịch, người chặt ngón tay, kẻ làm hỏng mắt… Cũng có không ít người khác đã đi quân dịch rồi phải tự hủy hoại thân thể của mình để được giải ngũ hoặc chỉ để được… ở tù nhằm tránh phải hy sinh vô nghĩa cho chiến tranh dù họ là những người được trả lương cao, được “trang bị tận răng”. Họ đều là nạn nhân của chiến tranh. Và, khi chiến tranh kết thúc, mọi người đều vui mừng, bởi người ta không còn lo bị bom rơi đạn lạc, không trở thành nạn nhân của những vụ thảm sát kiểu Sơn Mỹ, Thạnh Phong, không phải tự hủy mình để khỏi đi quân dịch…

Lẽ nào ngày kết thúc chiến tranh, họ lại là người thua cuộc?


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đồng chủ trì cuộc gặp cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ diễn ra tại NewYork vào chiều 24-9-2010.

2. Xuyên suốt trong quyển sách, có vẻ như Huy Đức chỉ thuần túy nêu sự kiện, không bình luận; nếu có bình luận thì chỉ dẫn lời của ai đó, với nguồn dẫn chứng rõ ràng, cụ thể, mà như muốn cho người đọc thấy sự khách quan, không định kiến, không phiến diện của tác giả. Thế nhưng, dù cố “giấu mình” nhưng qua chính những sự kiện trong cuốn sách, bằng góc độ tiếp cận thông tin, lựa chọn, xử lý thông tin và trình bày ra cho người đọc các chi tiết của sự kiện, của thông tin đó, tự bản thân nó đã thể hiện quan điểm, ý đồ của người viết.

Các sự kiện trong Bên thắng cuộc thường xuyên và liên tục được thể hiện theo cách thức đó. Qua những sự kiện, những tư liệu phục vụ cho ý đồ của mình, tác giả đã cho người đọc thấy một màu rất tối cho cả quãng đường mấy mươi năm sau ngày thống nhất đất nước. Chẳng hạn, tác giả nói khá nhiều về vấn đề “học tập cải tạo” của những người làm việc cho chế độ cũ, việc “cải tạo tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp”… Nhưng nếu chỉ nhìn một mặt của vấn đề thì tất yếu là chưa đầy đủ, chủ quan, phiến diện. Và, với một số sai lầm, hạn chế, không hoàn toàn do chủ trương chung mà do nhận thức, cách hành xử (sự hăng hái quá mức trong khi lại khá ấu trĩ…) của một số cán bộ, đảng viên thừa hành lúc bấy giờ.

Do đó, vì không có quan điểm lịch sử cụ thể, không có cái nhìn bao quát, toàn diện, cộng với ý đồ không thực sự trong sáng, thể hiện bằng một sự lập lờ, tác giả đã cố ý gây ngộ nhận cho người đọc. Sự ngộ nhận đó thật nguy hiểm!

3. Châm ngôn có câu: Một nửa ổ bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Thế nên những “sự thật” được trưng ra trong Bên thắng cuộc theo cách của tác giả không khỏi khiến người ta nghi ngờ về tính trung thực, khách quan của nó. Có thể diễn đạt thế này: trong một chuỗi các sự kiện, người nào quan tâm đến chi tiết nào hoặc chi tiết nào thấy có lợi cho mình, đúng với ý đồ của mình thì bóc tách chi tiết đó ra và xem đó là toàn bộ sự kiện, toàn bộ sự thật. Khi đó, sự chính xác của chi tiết không đảm bảo cho tính khách quan và đúng đắn của sự kiện. Lẽ dĩ nhiên, không thể có sự thật kiểu như thế. Lắm lúc, nó còn trở nên giả dối.

Lê Quang Liễn, một thiếu tá của quân đội chế độ Sài Gòn, trong bức thư phản đối Huy Đức (được đăng trên nhiều trang mạng) đã viết: “Một nhà báo chân chính phải viết cho sự thật, vì lương tâm thì đừng bao giờ gán, chụp cho những người vắng mặt những gì vì lợi ích cho bản thân, phe nhóm”. Nhưng trên thực tế, theo logic của sự “cắt cúp” sự kiện theo ý đồ riêng của tác giả, thì ngay cả ý kiến của những người “có mặt” cũng khiến người đọc có quyền nghi ngờ các trích dẫn.

Vì vậy, dù trưng ra nguồn từ những tài liệu được cho là đáng tin cậy, ý kiến của nhiều nhân vật có uy tín, khi đọc Bên thắng cuộc, người ta không rõ được đâu là “sự thực tuyệt đối” (tức là có đầy đủ các chi tiết của sự kiện) và đâu là “sự thực tương đối” (chỉ có một vài chi tiết của sự kiện), cứ hư hư thực thực. Mà chính cái hư hư thực thực đó làm nên sự lập lờ khiến tác phẩm thực sự nguy hiểm. “Sự thực tương đối” với một dụng ý thiếu trong sáng có thể gây nhiều điều nguy hại, bởi nó đem đến trong nhận thức người đọc sự sai lệch cả về hình thức lẫn bản chất.

Đọc cuốn sách, người ta bị chìm trong sự nghi ngờ năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực điều hành của Nhà nước. Thế nhưng, có một sự thực hiển nhiên không ai có thể phủ nhận: trong hoàn cảnh bị bao vây, cấm vận, bị các thế lực thù địch công kích trên nhiều mặt trận, cả quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, cả ở biên giới Tây Nam lẫn biên giới phía Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta giữ vững ổn định chính trị, đẩy lùi các cuộc tấn công quân sự, nâng dần vị thế chính trị của đất nước.

Cho nên, cần thấy cả điểm và diện, thấy cả cây và rừng thì mới thuyết phục được người đọc. Cũng như người đọc phải đọc được cả các chi tiết của sự kiện thì mới có thể khẳng định đâu là sự thật.
 
Hãy tôn trọng lịch sử

Tôi viết bài này không nhằm để tranh luận hay bút chiến mà chỉ nói lên những suy nghĩ về dòng lịch sử mà tôi cũng như tác giả đã có dịp đi qua. Được biết tác giả trong độ tuổi 50, tức cùng thế hệ với tôi, và ngày anh nghe tin giải phóng miền Nam khi đang đánh vật nhau với bạn ven đồi cũng là ngày mà tôi và những người thân cùng bạn bè trong xóm nghèo kéo nhau đến “hôi” từng lon bơ, hộp sữa, thanh pho mát… trong kho hàng Mỹ ở bên kia chân cầu Sài Gòn rồi lại kéo ngược về kho gạo cạnh dinh tỉnh trưởng Gia Định (nay là UBND quận Bình Thạnh) để chen nhau mỗi người kiếm vài chục ký khuân về nhà.

Trước đó, những ngày anh còn đi học hay nô đùa ở quê nhà miền Bắc cũng là dạo tôi được người anh cả chở ra quận 1 xem “ký giả đi ăn mày”, xem sinh viên biểu tình... Đó cũng là dạo những đêm tối trời, mưa rả rích, mật vụ ở bót Hàng Keo kéo vào lùng sục xóm Long Vân Tự, rồi vào đồng Ông Cộ (nay là đường Bùi Đình Túy) để tìm “Việt cộng” đêm trước mới treo cờ giải phóng…

Giải phóng và cách mạng đối với tôi thật mới mẻ. Anh chị tôi đi thanh niên xung phong, còn tôi ở nhà nộp sổ xếp hàng để mua bo bo, bột mì; lân la qua nhà bác bị niêm phong vì “đánh tư sản” để hóng chuyện; chen nhau mua cân thịt, xấp vải tiêu chuẩn; nghe những người bạn học ở trường Võ Thị Sáu kể chuyện gia đình đang kiếm “cây” để đi vượt biên… Có lẽ tôi còn rành rẽ chuyện sau ngày giải phóng Sài Gòn hơn cả tác giả Bên thắng cuộc, bởi dấu ấn những tháng ngày khó khăn ấy tôi và hàng triệu người dân thành phố này đã từng trải qua và vẫn còn in trong ký ức. Đó là những tháng ngày chòi đạp, thậm chí là đau thương. Bạn tôi vượt biên, cả lớp ngẩn ngơ, rồi cũng lại ân cần chia sẻ nhau những vất vả thời bao cấp, vẫn cắp cặp đến trường, và ngày nay không ít người đã thành đạt. Với ai đó, xa Tổ quốc hay không quan tâm đến thời cuộc thì Bên thắng cuộc như một bữa tiệc tư liệu ngồn ngộn, thấy ngon vì mới ăn lần đầu. Còn với những người đã đi qua dòng chảy lịch sử ấy, dường như đó chỉ là ký ức của quá khứ, là nỗi đau của vết thương chiến tranh chưa dễ gì khép miệng, lành lặn ngày một ngày hai, không có gì mới mẻ, thậm chí dễ gây hoài nghi do cách viết, cách nhìn nhận một chiều, một phía và khó có thể kiểm chứng về mặt tư liệu.

Tôi chỉ thật sự hiểu về cách mạng khi có dịp đến thăm nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, đi thăm lại đường Trường Sơn... Hòa bình, bao gia đình hội ngộ mừng vui trong nước mắt, nhưng không gian nghĩa trang Hàng Dương vẫn lặng lẽ bao nấm mồ với hai chữ “Vô danh”. Những chuồng bò, chuồng cọp vẫn còn loang lổ vết máu của những người tù do đòn thù, trên tường vẫn còn in đậm câu thơ của những người chưa hề biết điện thoại di động, nhà lầu xe hơi, sẵn sàng hy sinh xương máu của mình cho thế hệ tương lai “bước lên lầu tự do”. Và còn đó những cựu tù sống trong tàn phế của thể xác, bệnh tật vì hậu quả của những đêm tra tấn. Còn đó tượng đài sừng sững của 10 cô gái Đồng Lộc, của hang Tám Cô hiu quạnh một bát nhang. Còn đó hình ảnh chị Năm Hồng quên ăn mất ngủ, băng rừng lội suối đi tìm hài cốt đồng đội. Còn đó nỗi trăn trở của một Nguyễn Ngọc Hoài trong “Một thế giới khác” khi chưa tìm ra hài cốt liệt sĩ. Nên hiểu thế nào về sự hy sinh ấy? Chắc chắn sự hy sinh ấy không vô nghĩa, hơn thế càng khiến cho thế hệ sau phải khâm phục, ghi tâm khắc cốt.

Nhiều đêm tôi tự nhủ: Đua chen trong cuộc sống vật chất, chúng ta vẫn còn có lỗi khi chưa đưa được các anh các chị về với quê hương, gia đình. Gần 40 năm hòa bình, xương cốt các anh các chị vẫn còn phải nằm đâu đó trong rừng Trường Sơn hay trên đất bạn Lào, Campuchia. Những mẩu tin nhắn con tìm cha, vợ tìm chồng, anh tìm em… vẫn còn xuất hiện trên đài như một nỗi đau ray rứt lòng người. Nên hiểu thế nào về những đau thương - mất mát - thiệt thòi này?

Có thể lúc này lúc khác, Đảng có sai lầm. Cuộc sống khó khăn, đôi khi tôi cũng mất lòng tin vào đường lối của Nhà nước. Nhưng đó là một chuyện khác, không thể “vơ đũa cả nắm”, phủ nhận những hy sinh cống hiến của những người đi trước cho cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Tôi càng tâm đắc với nhận định của tác giả Nguyễn Đức Hiển (báo Pháp Luật TPHCM) khi cho rằng: “Để có bản tin giải phóng trên loa phóng thanh mà cậu bé 13 tuổi nghe khi đang vật nhau với bạn ven đồi, phải trả giá bằng trăm ngàn mất mát, đau thương, chứ không đơn giản chỉ là việc húc đổ cổng Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc”. Cần đánh giá trung thực và công bằng với lịch sử!

Một điều quan trọng: Nhìn lại quá khứ của cuộc chiến tranh, xin đừng xem đây là cuộc chiến của 2 người anh em Nam - Bắc để khoét sâu chia rẽ, vì đây là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của cả dân tộc. Tôn trọng lịch sử, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai là thái độ đúng đắn và cần thiết hiện nay. Lời tâm tình của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong bài viết “Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” mới đây có lẽ cũng là suy nghĩ, tâm tư của hàng chục triệu người Việt Nam hiện nay: “Thái độ cần thiết hiện nay, dù có khác biệt nào chăng nữa, thì tất cả các giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân cần hành động với một động cơ duy nhất, đó là vì lợi ích của dân tộc, vì sự ổn định chính trị, vì sự bình yên của xã hội để làm ăn và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đại đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Mọi hành động phá hoại mục đích đó hoặc khoét sâu thêm những bất đồng để đẩy đất nước đến bờ vực của sự hỗn loạn phải bị loại trừ và lên án… Sức mạnh của chúng ta phải là sức mạnh của lòng dân, của tinh thần đoàn kết, nhất trí toàn dân tộc. Đất nước sẽ không thể đứng vững bởi sự chia rẽ. Sự chia rẽ dân tộc chính là cơ hội cho những kẻ xâm lược”. 
 
Văn Sách - Minh Tâm (Sài Gòn)
 
 
 
 
Chia sẻ tin này :

+ nhận xét + 3 nhận xét

Nặc danh
lúc 10:25 10 tháng 3, 2013

Huy Duc tro^ng gio^'ng nhu' 1 con chuo^.t co^'ng!

Nặc danh
lúc 10:31 10 tháng 3, 2013

Huy Duc da kien nhan mai phuc va chuan bi cho 1 cuoc dao tau sang ben kia chien tuyen!...

Nặc danh
lúc 02:28 8 tháng 4, 2013

Không ngờ một người Việt Nam mà nhìn lịch sử dân tộc với một thái độ như thế. Cần lên án, tẩy chay một cách kichgj liệt.

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com