Ðể thực hành phản biện xã hội với các ý nghĩa tích cực, trước hết có một nguyên tắc cần tuân thủ là phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích,... Nếu không phản biện xã hội sẽ dễ chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính và phiến diện, thậm chí là cực đoan, không đóng góp với tiến trình phát triển xã hội mà còn cản trở tiến trình đó. Từ việc quan sát, đánh giá hoạt động "phản biện xã hội" của một số cá nhân trên in-tơ-nét trong thời gian qua, tác giả Huỳnh Tấn gửi tới Báo Nhân Dân bài Khi phản biện xã hội được sử dụng như một "chiêu bài"!. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
"nhân sĩ, trí thức hàng đầu" |
"Ngày nay, có thể nói mạng internet đã tạo cơ hội để con người có nhiều hơn một khuôn mặt. Chưa có thời kỳ nào khuôn mặt con người lại đa dạng đến thế... Ở đó, họ dễ dàng hành xử như một người vô danh, hoặc bỗng nhiên nhờ vào thế giới ảo mà trở thành nổi tiếng" - đó là nhận xét của tác giả Nguyên Anh trong bài Thế giới mạng và sinh mạng thứ hai. Căn cứ vào diễn biến của hiện tượng, có thể nói nhận xét này khá phù hợp với một số người nhân danh "phản biện xã hội", "tinh thần dân chủ" và "lòng yêu nước" vẫn hằng ngày xuất hiện trên internet. Vì vài năm sau ngày Việt Nam hòa mạng toàn cầu, đã xuất hiện một số website, blog, facebook cá nhân,... là nơi công bố ý kiến "phản biện xã hội" của một số người, trong đó có người thường được BBC, VOA, RFA,... giới thiệu là "nhân sĩ, trí thức hàng đầu". Về các "phản biện xã hội" đó, trong một bài viết đăng trên sachhiem.net, GS Trần Chung Ngọc - tác giả là người Mỹ, gốc Việt, nhận xét: "Tôi có cảm tưởng là đối với họ, phản biện có nghĩa là phải chống đảng, cãi đảng, bất kể đó là vấn đề gì của đảng, đúng hay sai". Nhận xét của GS Trần Chung Ngọc xác đáng như thế nào, hãy để bạn đọc đánh giá. Nhưng dù vậy, liệu có thể coi là bình thường nếu đọc các bài vở, ý kiến, xem các bức ảnh, video-clip của những người này trên mạng?
Không thể coi là bình thường vì cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy xuất hiện một "thư ngỏ", "kiến nghị",... chủ yếu được công bố trên internet trước khi tới nơi cần gửi! Ðứng đầu danh sách ký tên vào "thư ngỏ", "kiến nghị",... thường là một nhóm người nếu tên tuổi không gắn với một chức danh, học vị thì cũng đi liền với một hai chức vụ thời quá khứ và hình như họ không có việc gì khác để làm, chỉ viết đơn, thư!? Không bàn tới các entry, comment chửi bới, vu cáo, xúc phạm bất kỳ người nào có ý kiến khác mình, chỉ đề cập tới hiện tượng liên quan tới các cá nhân đang hăng hái "phản biện" trên internet đã thấy nhiều chuyện bi hài. Như ông "phó giáo sư" nọ lại tự giới thiệu là "giáo sư", rồi ông "chủ tịch hội đồng khoa học" một viện nghiên cứu - chức vụ mang tính lâm thời, về hưu từ lâu mà vẫn xăm xắn với chữ "chủ tịch". Thật sửng sốt khi thấy một vị tiến sĩ hùng hổ quát tháo, mày tao chi tớ với nhân viên bảo vệ tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Có ông chưa biết phân biệt Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng khác nhau như thế nào, không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân..." mà vẫn say sưa "phản biện". Có ông năm trước vừa "vinh danh" một người, ngay năm sau người mới được "vinh danh" đã lên facebook kể ông nọ gọi mình là "kẻ vô ơn", và hứa hẹn "sẽ chứng minh ngược lại họ chính là kẻ vô ơn và láo xược"! Bình luận về tình trạng hỷ nộ ái ố trên, một blogger viết: "Ðứng trên góc độ một người được giáo dục thì phải biết tôn ti trật tự, biết tôn trọng các quy định chung của xã hội, của cộng đồng. Ðó là cái lễ. Các vị mang danh là "trí thức" thì chắc chắn đã được giáo dục rồi, thậm chí họ còn đi giáo dục người khác nữa chứ! Nhưng mà sao xem clip các vị ấy tự biên, tự diễn thì tôi không thấy thế? Xem nó tôi có cảm giác giống như xem mấy clip của cái tụi choai choai rỗi hơi gọi điện chọc phá các điện thoại viên rồi đăng lên Youtube để hỷ hả với nhau"! Blogger khác bình luận: "Hầu hết những người đồng đơn với ông, khi ký tên vào bản kiến nghị, đều treo lủng lẳng bên cạnh mình một loạt chức danh có được trong chế độ độc đảng mà cái chế độ đó nay họ đòi loại bỏ. Không ai tự phủ nhận mình khi ghi các chức danh đó... vì nếu phủ nhận mình thì tiếng nói của mình cũng thành vô giá trị"!
Năm 2012, trong lời giới thiệu bài Trí thức và phản biện của GS Trần Chung Ngọc, tòa soạn sachhiem.net viết: "Nói rằng một người có cặp mắt sáng có thể lái xe ban đêm giỏi, nhưng không thể căn cứ vào tài lái xe ban đêm để đo lường độ sáng của cặp mắt. Cũng vậy, phản biện có thể là một trong những hành vi mà một trí thức có thể làm, nhưng không thể là một định nghĩa cho trí thức. Nhất là, gặp gì cũng phản biện, phản biện số 2 thành số 7, phản biện cho mầu đỏ thành mầu đen,... thì nhất định không phải là phản biện. Ðành rằng, một khi có được các phản biện có giá trị, điều đó sẽ làm cho xã hội tiến bộ hơn; nhưng nếu cho đó là nhiệm vụ của "trí thức", sẽ trở thành hàm hồ. Thái độ "gom về mình" để được mặc áo trí thức mỗi khi phản biện, thì lại càng không nên là hành vi của một trí thức". Trong bài viết, GS Trần Chung Ngọc khẳng định: "chức năng của trí thức thì đa dạng, và với sự hiểu biết của họ, với kiến thức chuyên nghiệp, họ có thể giúp ích cho xã hội nhiều hơn là lao mình vào lĩnh vực phản biện, nhất là khi họ không có đủ thông tin, không có sự hiểu biết sâu rộng và chính xác về vấn đề, thì đó chỉ là một quan niệm cá nhân... Ðiều hiển nhiên là không có một trí thức nào có thể bao quát được mọi vấn đề trong xã hội, họ chỉ có thể đóng góp cho xã hội trong lĩnh vực chuyên môn của họ, đi ra ngoài lĩnh vực mà họ không nắm vững thì họ trở thành một anh thợ giày mà lại cứ muốn đi lên trên nơi giày dép... Phản biện là dùng lý lẽ, biện luận với thông tin, tài liệu, bằng chứng, để phản bác, chứng minh một vấn đề nào đó, có thể là một luận cứ văn học, một quan điểm về khoa học, một nhận định xã hội, một luận cứ trong Tòa án, v.v. là không đúng, là sai lầm cho nên cần phải bác bỏ... Ðây không phải là điều trí thức nào cũng làm được, nhất là về lĩnh vực chính trị, đối ngoại hay đường hướng quốc gia, các lĩnh vực mà Nhà nước tất nhiên có cái nhìn bao quát, tổng hợp và đầy đủ thông tin hơn cá nhân. Nước Mỹ là nước được cho là dân chủ nhất thế giới, dù chính sách đối ngoại của Mỹ không có gì là dân chủ. Trong chế độ dân chủ của Mỹ, người dân có quyền bỏ phiếu để chọn lựa nguyên thủ quốc gia, tuy nhiều khi phiếu của người dân (popular vote), dù là đa số, cũng không có giá trị bằng phiếu của các vị đại diện cho họ (electoral vote). Năm 2000, trong cuộc bầu cử Tổng thống, Al Gore được nhiều phiếu của dân chúng hơn, nhưng Bush vẫn thắng vì được nhiều phiếu của các dân cử. Ðây không hẳn là dân chủ theo nghĩa "thiểu số phục tùng đa số". Nhiều trí thức Mỹ đã lên tiếng phê bình vấn nạn này. Chính quyền Bush tạo ra những thông tin ngụy tạo về Iraq để có cớ xâm lăng Iraq, người dân cũng chỉ có thể phản đối hay biểu tình chống chiến tranh, nhưng không thể phản biện. Và chiến tranh Iraq đã tốn mấy nghìn nhân mạng lính Mỹ, vài trăm tỷ đô-la, vài trăm nghìn người Iraq, cuối cùng thì Mỹ cũng rút quân để lại không biết bao nhiêu là hệ lụy cho Iraq".
Là lẽ thông thường nhưng cần thiết, phản biện xã hội là hoạt động phải được khuyến khích trong sinh hoạt xã hội. Nếu một mặt phản biện có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, thì mặt khác, phản biện là biểu thị cho tính dân chủ của xã hội. Vấn đề là ở chỗ, phản biện phải hướng tới ổn định và phát triển xã hội - con người, không thể chấp nhận phản biện nhằm gây mơ hồ, làm lạc hướng nhận thức chung, tiến công vào nguyên tắc tổ chức và hệ thống chính trị của xã hội. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, mọi tổ chức từ Trung ương tới địa phương, mọi cá nhân có trách nhiệm ở các cấp chính quyền cần tiếp nhận ý kiến phản biện một cách khách quan để tổng kết, rút ra tham vấn hữu ích nhằm điều chỉnh. Hiện tại, việc triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Ðây là thời điểm quan trọng để mọi công dân thể hiện tinh thần trách nhiệm với quá trình hoàn thiện, phát triển đất nước. Ðã có nhiều ý kiến tâm huyết gửi tới cơ quan có trách nhiệm, đó là biểu hiện cụ thể về sự trưởng thành của ý thức công dân. Và đó cũng là để khẳng định sự lạc lõng của một số người đang sử dụng phản biện xã hội làm "chiêu bài" phục vụ cho các tham vọng thiếu cầu thị.
Tapvietbao
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến