Breaking news:
Trang chủ » , , , , » “Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao nhất”

“Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao nhất”

Viết bởi Unknown on 6 tháng 1, 2013 | 19:07

“Ngay từ những ngày đầu năm này, Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2013, để góp phần tích cực vào việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận định.

Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Năm 2012 là một năm khó khăn với nền kinh tế, nhưng có lẽ chúng ta cũng không vì thế mà không điểm lại những niềm tự hào của năm 2012, thưa ông?

Năm 2012, chúng ta thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. 

Tuy các kết quả đạt được của năm 2012 còn khá “khiêm tốn”, nhưng phải nhìn nhận rằng, nền kinh tế của chúng ta đã và đang trên đà chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, nhập siêu giảm, các cân đối về tiền tệ, tín dụng, tài chính được kiểm soát, thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng...

Chẳng hạn về xuất khẩu, chúng ta cũng đạt được những kết quả đáng tự hào. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường lớn và thị trường truyền thống giảm, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm hoặc không tăng so với cùng kỳ nhưng nhờ thực hiện quyết liệt và hiệu quả các giải pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta năm 2012 ước đạt trên 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 13%. 

Hay cán cân thanh toán tổng thể dự báo thặng dư 8 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt 3,1 tỷ USD của năm 2010 và cao hơn nhiều so với mức thặng dư 2,65 tỷ USD của năm 2011. Dự trữ ngoại hối cũng tăng nhanh, từ 10 tỷ USD lên 23 - 24 tỷ USD...

Nhưng những niềm tự hào này đều có mặt trái, chẳng hạn, lạm phát được kiềm chế có nguyên nhân của sức mua giảm mạnh, nền kinh tế suy kiệt; hay với xuất khẩu chủ yếu là dựa vào khu vực FDI...

Đúng là như vậy. Nhưng như với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, chúng ta còn nhớ là năm 2011, lạm phát tăng ở mức rất cao, có thời điểm lên tới hơn 18%. Nếu ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ không thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp, chính sách về tiền tệ và tài khóa, tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường thì kết quả kiềm chế lạm phát của chúng ta cả năm qua không đạt được con số tích cực như vậy.

Mặt khác, chúng ta tự hào về những gì đạt được nhưng không vì thế mà không nhận ra những mặt hạn chế, yếu kém của ngay chính những kết quả này. 

Với xuất nhập khẩu, chúng tôi vẫn luôn nhận định rằng, việc giảm mạnh tốc độ kim ngạch nhập khẩu trong năm 2012 chủ yếu do giảm nhu cầu vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và đầu tư và điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Với tăng trưởng kinh tế và phát triển ngành, lĩnh vực, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2012 chỉ tăng 4,8% so với năm 2011, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là tăng 8,5%. 

Ngành xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm, huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng và nguồn vốn khác còn hạn chế, thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng trong thời gian dài... 

Nhìn cả mặt được và chưa được, chúng ta có thể tự hào nhưng kèm theo đó là sự thận trọng, nhưng trên hết, chúng ta phải vững tâm bước vào thực hiện các nhiệm vụ của năm 2013 một cách tốt nhất.

Hiện có nhiều người dự cảm rằng năm 2013, nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có chuyển biến tích cực hơn năm 2012. Còn dự cảm của ông như thế nào?

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được dự báo chung là sẽ khả quan hơn so với năm 2012. Đối với tình hình trong nước, chúng ta có những thuận lợi quan trọng: lạm phát cơ bản đã được kiềm chế; sản xuất công nghiệp đã từng bước phục hồi cuối năm 2012, có điều kiện phát triển ổn định và tăng trưởng cao hơn trong năm 2013.

Tuy nhiên, năm 2013 kinh tế nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, áp lực lạm phát cao vẫn còn khá lớn; phát triển thị trường trong nước còn gặp nhiều khó khăn do sức mua yếu, việc mở rộng xuất khẩu phải đối mặt với xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu khác. 

Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hoá đang ngày càng được đẩy nhanh, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng chủ động điều chỉnh cơ cấu kinh tế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Ngoài ra, những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh cũng là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân...

Nhưng tôi cho rằng, khi Chính phủ có nhiều giải pháp cụ thể, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm thực hiện từ trên xuống dưới thì năm 2013, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2013, để góp phần tích cực vào việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com