Breaking news:
Trang chủ » , , , » Không thể có tự do báo chí không giới hạn

Không thể có tự do báo chí không giới hạn

Viết bởi Unknown on 8 tháng 4, 2013 | 18:40

Trong quá trình góp ý xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đòi hỏi Việt Nam phải có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí “không nhất thiết phải theo quy định của pháp luật” và tư nhân được quyền ra báo, xuất bản. Đây là kiến nghị không những không phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở Việt Nam, mà còn ẩn chứa nhiều mưu toan, ý đồ thiếu thiện chí. 

Đừng ảo tưởng về “ tự do báo chí tuyệt đối”!

“Tự do báo chí” là vấn đề không mới, nhưng rất nhạy cảm đối với mỗi quốc gia dân tộc. Thời gian gần đây, có một nhóm người đòi hỏi Việt Nam phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí không giới hạn, tự do sử dụng internet mà “không cần kiểm soát bởi Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam”. Họ cho rằng, thế mới là một nền “tự do báo chí ưu việt” như các nước phát triển và hơn thế, để Việt Nam không bị xem là “một quốc gia bóp nghẹt tự do báo chí” và là “kẻ thù của internet”(!).

Khi đưa ra kiến nghị trên đây, hình như các “nhà dân chủ” đang bị “lóa mắt” và “ảo tưởng” về một “chân trời tự do báo chí tuyệt đối”! Trên thực tế, không có bất cứ quốc gia nào có nền báo chí tự do tuyệt đối, mà báo chí đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc, luật lệ, chế tài nhất định của luật pháp và chính quyền. PGS,TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử báo chí thế giới, cho biết: Mỹ là một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, nên một số người viện dẫn tự do báo chí của quốc gia này như là một mẫu hình lý tưởng. Nhưng ngay từ khi ra đời, thời kỳ lịch sử nước Mỹ thuộc Anh, báo chí phải được cấp phép và chịu sự kiểm duyệt gắt gao trước khi xuất bản. Mặc dù Quốc hội Mỹ không được phép ra văn bản hạn chế tự do báo chí, nhưng kể từ năm 1787 đến nay, tòa án tối cao và chính quyền các bang của Mỹ đã ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ điều phối và kiểm soát tự do thông tin. Mặt khác, báo chí ở Mỹ bị chi phối bởi các tập đoàn truyền thông và quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền. Thế nên, đừng lầm tưởng và ảo tưởng là Mỹ có nền báo chí tự do vô hạn độ hay “tự do hoàn hảo”.

Nói về tự do báo chí “không giới hạn”, không thể không nhắc lại những “vụ điển hình” làm rúng động dư luận thế giới thời gian qua như: Vụ họa sĩ Đan Mạch vẽ tranh biếm họa về nhà tiên tri Mô-ha-mét; vụ một mục sư đạo Tin lành Mỹ đòi đốt kinh Cô-ran; vụ việc lính Mỹ đốt kinh Cô-ran ở Áp-ga-ni-xtan… Những vụ việc “quá trớn” này đã làm dư luận phản ứng dữ dội, thậm chí có nơi biến thành bạo loạn xã hội. Nhưng “đình đám nhất” phải kể đến vụ bê bối của tờ News of the World (Tin thế giới). Tháng 7-2011, tờ báo “lá cải” lớn nhất nước Anh đã phải đình bản vĩnh viễn sau 168 năm “làm mưa, làm gió” trên thương trường báo chí quốc tế do nhiều phóng viên bản báo bị cáo buộc là đã nghe lén điện thoại của hàng nghìn người dân để “săn tin”. Chả thế mà ông Nick Clegg, đương kim Phó thủ tướng nước Anh từng phải lên tiếng: Báo chí cần tự do để kiểm soát việc lạm dụng quyền lực của các chính trị gia và của xã hội nói chung, nhưng báo chí cũng không được phép lạm dụng quyền lực của họ!

Tự do báo chí không phụ thuộc vào “báo chí tư nhân”

Một số người “lập luận” rằng, phải cho tư nhân có quyền xuất bản báo, tạp chí thì mới bảo đảm quyền “tự do báo chí đích thực”. Bởi theo họ, xã hội dân chủ là một xã hội mà công dân được phép làm tất cả những gì mang lại lợi ích cho họ, trong đó có quyền được ra báo để có tiếng nói độc lập, có thông tin tự do hoàn toàn, có quyền “phản biện xã hội” thoải mái… như một số nước phát triển!

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), người từng tham gia nhiều cuộc trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn với một số tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn tìm hiểu về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, cho rằng: Nhận định, đánh giá như vậy là phiến diện, thiếu quan điểm thực tiễn. Vì mỗi đất nước, mỗi quốc gia dân tộc đều có đặc điểm lịch sử và chế độ chính trị khác nhau. Thực tế ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, nhưng hầu hết các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các giai cấp, tầng lớp, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các giới, các thành phần trong xã hội đều có tờ báo, tạp chí, bản tin của mình. Mỗi công dân ViệtNam khi tham gia sinh hoạt, hoạt động ở tổ chức nào thì đều có ấn phẩm báo chí của tổ chức đó bảo đảm quyền được thông tin của mình.

Cùng chung quan điểm đó, ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã khẳng định: Một nền báo chí có được xem là tự do hay không trước hết phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, bản chất, mục đích hoạt động của nó. Ở Việt Nam, một nền báo chí có chức năng, mục đích “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện tự do ngôn luận của các tầng lớp nhân dân” đã được quy định rõ ràng tại Điều 6, Luật Báo chí năm 1989, không thể nói là nền báo chí ấy không phải của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, Việt Nam không cần báo chí tư nhân nhưng mọi người dân vẫn được đáp ứng và hưởng thụ nhu cầu thông tin về tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, về mọi mặt tình hình của đất nước và thế giới. 

Quyền tự do báo chí phải được bảo đảm bằng pháp luật

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người luôn được Đảng, Nhà nước ta xem là một thuộc tính, một bản chất của chế độ ta. Vì vậy, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Điều 10 đã ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận”. Điều 15, Hiến pháp năm 1959 bổ sung: “Công dân nước Việt Nam có các quyền tự do ngôn luận, báo chí”. Điều 67, Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Cùng với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Điều 69, Hiến pháp năm 1992 bổ sung: Công dân có quyền được thông tin. Kế thừa nội dung các bản Hiến pháp trước, Điều 26 thuộc Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, trên phương diện pháp lý, tất cả các bản Hiến pháp của nước ta từ khi ra đời đến nay đều khẳng định nhất quán, trước sau như một quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, của mọi công dân. Nếu như một số quyền khác của con người được đề cập, bổ sung, phát triển ở các bản Hiến pháp sau này, thì quyền tự do báo chí đã được Nhà nước ta thừa nhận, tôn trọng, bảo đảm ngay sau khi chế độ dân chủ và chính quyền nhân dân được xác lập. Điều này như một minh chứng sinh động để khẳng định Nhà nước ta từ khi ra đời đến nay chưa bao giờ xem nhẹ hay ngăn cản quyền tự do báo chí chân chính của nhân dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chỉ có giá trị và ý nghĩa khi nó được gắn liền với các quy định của pháp luật. Không thể có tự do báo chí trừu tượng, chung chung và cũng không thể lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích của nhân dân. Nhà báo trước hết là một công dân. Nếu nhà báo vi phạm pháp luật cũng phải bị xử lý như các công dân khác phạm pháp. Còn ai cố tình lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ công khai chống Đảng, Nhà nước, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, xâm phạm lợi ích của tổ chức và công dân đều phải bị xử lý nghiêm minh. Đó là biểu thị sự công bằng, bình đẳng của pháp luật, chứ không phải là sự “bóp nghẹt tự do báo chí, thủ tiêu tự do ngôn luận” như một số thế lực phản động và những người thiếu thiện chí từng rêu rao. Điều 2, Luật Báo chí năm 1989 đã quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nội dung “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” (năm 1948) của Liên hợp quốc đã được khẳng định tại Điều 29: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng, không thể có đổi mới, dân chủ và phát triển nếu không tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nhân dân. Vì đó không chỉ là một trong những quyền cơ bản của con người, mà còn là một trong những động lực quan trọng để mở rộng, phát huy dân chủ-một nguồn lực nội sinh góp phần thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.

Theo QĐND
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com