ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền Mỹ |
Ngày 21-11, Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên tòa phúc thẩm và đã tuyên y án sơ thẩm (6 năm tù) đối với Đinh Đăng Định về tội “tuyên truyền chống Nhà nước...” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Ngay sau khi phiên phúc thẩm kết thúc, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền ở Mỹ đã lên tiếng rằng “Việc truy tố như thế đã làm dấy lên những quan ngại cơ bản về ý định của Việt Nam đối với quyền tự do bày tỏ trên internet”. Trong một bản thông cáo tung lên một số trang web phản động ở nước ngoài, ông ta còn lộ rõ quan điểm bênh vực, che chắn cho Đinh Đăng Định.
Hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam của Đinh Đăng Định là rất rõ ràng. Kết quả điều tra cho thấy, Đinh Đăng Định đã ngông cuồng soạn thảo, tán phát nhiều tài liệu chống đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; câu kết, móc nối với các phần tử, tổ chức phản động trong và ngoài nước để hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Núp dưới bí danh “Văn Nguyễn”, Định đã soạn thảo, phát tán nhiều tài liệu có nội dung phản động. Định đã liên lạc, câu kết với Nguyễn Trung Lĩnh (ở Hà Nội) để thành lập ra cái gọi là “Đảng tự do dân chủ ở Việt Nam”. Ngoài ra Định còn tham gia nhiều diễn đàn, trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí phản động của tổ chức khủng bố Việt Tân ở nước ngoài với nội dung chống đối Đảng, Nhà nước... Định đã sản xuất, tàng trữ và lưu hành nhiều tài liệu có nội dung nói xấu, xuyên tạc thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; tạo điều kiện để các tổ chức phản động ở nước ngoài xuyên tạc, bóp méo sự thật chống phá Việt Nam. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong máy tính của Định có chứa 19 bộ tài liệu, với 195 trang mang nhiều nội dung xuyên tạc thân thế, sự nghiệp của lãnh tụ, chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những tài liệu đó đã được Định cấu kết với các phần tử phản động ngoài nước tung lên mạng...
Mọi sự rõ như ban ngày, thế nhưng trong con mắt của ông Robertson, Định chỉ là “nhà chính trị ôn hòa”, chỉ “thực hiện quyền tự do ngôn luận”, “bày tỏ quan điểm cá nhân”,… chứ không phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam”. Ông Robertson nói trong thông cáo rằng: “Lẽ ra ông không thể bị bắt bởi vì tất cả những gì ông làm là thực hiện quyền cơ bản tự do bày tỏ ý kiến…”. Phát biểu của ông Robertson cho thấy rõ cái nhìn thiển cận, phiến diện về Công ước quốc tế và luật pháp Việt Nam. Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm… và bày tỏ qua mọi phương tiện truyền thông”. Tuy nhiên, tại Điều 29 của chính văn bản này cũng khẳng định: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định… nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki moon cũng chỉ rõ rằng: “Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chỉ được bảo vệ khi nó được dùng vào các mục đích công lý và phục vụ cộng đồng”. Không chỉ ở Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do dân chủ của công dân trong khuôn khổ luật pháp. Ví như Điều 18 Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức ghi rõ: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”... Rõ ràng hành vi của Định vừa trái với Công ước quốc tế, vừa vi phạm pháp luật Việt Nam. Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam công nhận, bảo đảm việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những hành vi lợi dụng các quyền này mà vi phạm pháp luật thì không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều không thể chấp nhận.
Vậy tại sao ông Phil Robertson lại bảo vệ Đinh Đăng Định, ông ta đang toan tính điều gì? Dư luận chẳng lạ gì tâm địa của ông và cái gọi là tổ chức Theo dõi nhân quyền. Lâu nay, tổ chức này ở Mỹ và một số trang mạng có quan điểm chống Việt Nam ở nước ngoài thường lợi dụng những vụ việc tương tự để tuyên truyền xuyên tạc, gây sức ép đòi Việt Nam thay đổi Điều 88-Bộ luật Hình sự quy định về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Rõ ràng ông Phil Robertson đang đội lốt “theo dõi nhân quyền” để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Theo QĐND
+ nhận xét + 1 nhận xét
Ông Robertson can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của VN, và có lẽ ông này đang là tay chân đắc lực của những đối tượng chống VN để gây áp lực và hướng lái dư luận VN. Chúng ta cần phải làm rõ và cho họ thấy những việc làm đó chỉ vô ích và nhận hậu quả thích đáng. Chúng ta hoan nghênh những ý kiến đóng góp cho sự phát triển của VN nhưng sẽ có biện pháp xử lý với những can thiệp, gây sức ép của bên ngoài
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến