Tại kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu các ý kiến đóng góp vào dự thảo phải được tập hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và là cơ sở để góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Kế hoạch nêu rõ mục đích của việc lấy ý kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu việc lấy ý kiến phải được thảo luận với các hình thức thích hợp, được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kế hoạch nêu rõ.
Việc lấy ý kiến, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các bộ ngành địa phương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân.
Nêu rõ nội dung lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Hiến pháp năm 1992, song Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình tập trung lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của bộ, ngành mình và những vấn đề bộ, ngành quan tâm.
Thường trực hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đoàn đại biểu Quốc hội tập trung lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của chính quyền địa phương và những vấn đề mà địa phương quan tâm.
Trong số các đối tượng lấy ý kiến, theo kế hoạch có các cơ quan thông tấn báo chí, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, luật sư, luật gia…
Ở kế hoạch này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp tạo điều kiện để Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động.
Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến sẽ được gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước ngày 31/3/2013.
Theo VnEconomy
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến