Sở hữu cổ phần vi phạm
luật nghiêm trọng
Thông qua người vợ là bà Nguyễn Thị Kim Thanh và các công ty mà ông Tâm
trực tiếp làm Chủ tịch HĐQT hoặc TGĐ chi phối hầu như toàn bộ hoạt động kinh doanh
Ngân hàng Phương Tây, đặc biệt là ở chi nhánh Cần Thơ.
Thực trạng sở hữu cổ phần của cổ đông và người liên quan (do vợ chồng ông
Đặng Thành Tâm chiếm giữ) cụ thể: Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn
188,1 tỉ đồng (6,27%); Công ty CP Kim Ba 149 tỉ đồng (4,97%); Công ty CP Khu
công nghiệp Sài Gòn -Bắc Giang 116,5 tỉ đồng (3,88%); Công ty CP Đầu tư Sài
Gòn - Đà Nẵng 82 tỉ đồng (2,73%); Công ty CP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam 120 tỉ
đồng (4%); cá nhân ông Đặng Thành Tâm 268,64 tỉ (8,96%); bà Nguyễn Thị Kim
Thanh 268,64 tỉ (8,96%), tổng cộng là 1.073,2 tỉ đồng (chiếm 35,78%).
Như vậy, ông Đặng Thành Tâm đã thao túng được 35,78% tỉ lệ sở hữu tại
Ngân hàng Phương Tây. Việc làm này đã vi phạm quy định về giới hạn sở hữu tại
một ngân hàng tối đa là 20% được quy định bởi khoản 3 Điều 55, Luật các Tổ
chức tín dụng (2010), quy định: "Cổ đông và người có liên quan của cổ
đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín
dụng".
Tính đến thời điểm 29-2-2012 cổ đông Nguyễn Thị Kim Thanh và Đặng Thành
Tâm sở hữu tới 35,78% vốn điều lệ (3.000 tỉ đồng) tại Ngân hàng Thương mại CP
Phương Tây, gấp hơn 1,5 lần mức quy định là vi phạm nghiêm trọng Luật Các tổ
chức tín dụng.
Nhiều khoản cho vay ảo, đẩy tổng dư nợ lên tới 4.000 tỉ đồng
Bằng việc sở hữu phi pháp 35,78% ngân hàng này, ông Đặng Thành Tâm đã
thao túng được toàn bộ HĐQT và bộ máy quản lí, điều hành của Ngân hàng Phương
Tây. Từ đó, ông Tâm đã chỉ đạo bộ máy của ngân hàng tiến hành các hoạt động
cho vay hàng nghìn tỉ đồng sai pháp luật phục vụ mục đích cá nhân.
Tổng số tiền mà ông Tâm đã rút ra từ Ngân hàng Phương Tây dưới các hình
thức cho vay khác nhau cho các công ty và cá nhân có liên quan đã lên đến hơn
5 nghìn tỉ đồng, bằng 150% vốn tự có của ngân hàng, vi phạm nghiêm trọng quy
định tại Luật Các tổ chức tín dụng và giới hạn cho vay đối với một khách hàng
và đối tượng liên quan (tối đa 25%).
Vào thời điểm ngày 31-12-2011 tại Ngân hàng thương mại CP Phương Tây xuất
hiện 14 khoản cho vay ảo với tổng dư nợ 3.954 tỉ đồng (thời hạn 7 ngày) được
cầm cố thế chấp bằng Hợp đồng tiền gửi trị giá 4.199 tỉ đồng. Các hồ sơ
vay này không có dự án đầu tư, không có tờ trình thẩm định, không có khế ước
nhận nợ, giấy đề nghị vay tiền, tiền cầm cố sổ tiết kiệm không ghi mục đích
sử dụng và phương án vay vốn, không có tài liệu chứng minh mục đích sử dụng
vốn vay.
Qua nhật kí tài khoản tiền gửi trước ngày 29-2-2012 các số dư thấp, vợ
chồng ông Đặng Thành Tâm nộp tiền vào tài khoản tiền gửi thanh toán để tạo số
dư, sau đó Ngân hàng Phương Tây chuyển vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm có kì
hạn và kí hợp đồng tiền gửi. Với cách làm đó, Ngân hàng Phương Tây đã vi phạm
nghiêm trọng Luật Kế toán và chế độ kế toán tổ chức tín dụng, làm sai lệch
báo cáo tài chính, làm cho các cơ quan quản lí và khách hàng ngộ nhận về hoạt
động mờ ám của Ngân hàng Phương Tây.
Tổng dư nợ cho vay (cho vay trực tiếp và cho vay được che giấu dưới hình
thức đặt cọc môi giới chứng khoán và ủy thác đầu tư) và mua trái phiếu doanh
nghiệp của Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang và 11 công ty khác,
6 khách hàng (lớn nhất là hai vợ chồng ông Đặng Thành Tâm tại thời điểm
29-2-2011) là 5.091,615 tỉ đồng, chiếm 157% vốn tự có là vi phạm nghiêm trọng
khoản 1, Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng, quy định: "Tổng mức dư nợ,
cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá
25% vốn tự có ngân hàng thương mại..."
Thao túng ngân hàng để rút vốn vào tài khoản cá nhân
Ngoài ra, để rút 1.800 tỉ đồng từ ngân hàng, ông Tâm còn đạo diễn cho
Ngân hàng Phương Tây mua trái phiếu (bản chất là cho vay) của Công ty Cổ phần
Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (300 tỉ đồng) và Tổng công ty đô thị Kinh Bắc
(1.500 tỉ đồng) dựa trên những phương án kinh doanh không rõ ràng, các dự án
lập khống, dẫn đến việc sử dụng vốn không đúng mục đích, gây thiệt hại cho
ngân hàng.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Navibank (do Ngân hàng Navibank mà bản chất
là ông Tâm sở hữu) cũng được ông Tâm sử dụng để lấy tiền từ ngân hàng thông
qua việc nhận đặt cọc môi giới mua trái phiếu trị giá 600 tỉ đồng. Số tiền
này cũng được ông Tâm sử dụng một cách mờ ám, không đúng mục đích. Bằng cách
nhận ủy thác đầu tư, ông Tâm đã tuồn được hơn 600 tỉ đồng cho các công ty của
gia đình là Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo và Công ty Cổ phần
Xây dựng Sài Gòn.
Ông Tâm còn chỉ đạo mua tài sản cho ngân hàng với giá trị khống, cao hơn
nhiều lần giá thị trường để trục lợi cá nhân như việc mua dự án Văn phòng ở
số 1 Láng Hạ, Hà Nội.
Nhiều chiêu “ngoạn mục” thường được ông Tâm sử dụng để rút tiền ở Ngân
hàng Phương Tây sau khi đã thao túng được ngân hàng này là chỉ đạo các công
ty liên quan lập hồ sơ khống, phương án vay giả mạo để vay tiền hoặc nhận
tiền từ ngân hàng, sau đó chuyển tiền cho các cá nhân liên quan sử dụng sai
mục đích.
Đáng chú ý có cả những khoản tiền chuyển thẳng vào tài khoản của ông Tâm
như thông tin Báo Người cao tuổi đã nêu trong bài "Ông Đặng Thành Tâm
"ôm" 600 tỉ đồng đi đâu?" tại số 108 (1113) ngày 8-9-2012 và
bài "Ông Đặng Thành Tâm và những thủ đoạn rút tiền không minh bạch"
tại số 115 (1120) ra ngày 26-9-2012 vừa qua.
Thông qua việc sở hữu ngân hàng sai pháp luật và lạm dụng ảnh hưởng chính
trị, “bố già” Đặng Thành Tâm đã tổ chức mạng lưới chân rết rút tiền từ ngân
hàng ra cho bản thân và những người có liên quan, đẩy Ngân hàng Phương Tây
vào tình trạng mất vốn, thường xuyên mất thanh khoản.
Được biết, từ tháng 3-2012, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, Ngân hàng
CP Thương mại Phương Tây được chấn chỉnh, tình hình có cải thiện nhưng tình
trạng nợ xấu do cho vay trực tiếp dưới hình thức ủy thác đầu tư của nhóm
khách hàng vay chiếm 40% tổng nợ xấu, chiếm 8,4% tổng dư nợ của Ngân hàng
Phương Tây gây hậu quả nặng nề, nghiêm trọng cho tổ chức này.
Hành vi phạm pháp của ông Đặng Thành Tâm đã rõ và rất nghiêm trọng. Đề
nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc đấu tranh, làm rõ những sai phạm
của ông Nghị sĩ
này.
Vũ Phong - Minh Tuấn
|
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến