Breaking news:
Trang chủ » » Sự thật như ánh sáng

Sự thật như ánh sáng

Viết bởi Unknown on 25 tháng 9, 2012 | 02:39


Loạt bài “Thông tin ảo, hiểm họa thật” trên Báo Quân đội nhân dân (số ra các ngày 15, 16, 17-9) vừa qua đã nhận được sự quan tâm của dư luận, phần lớn các ý kiến phản hồi đều đồng tình, cho rằng cần tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn với loại “rắn Hydra thông tin” này. Chúng tôi xin lược ghi ý kiến của một số nhà khoa học, quản lý, chuyên gia và bạn đọc về vấn đề này.


Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo (Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam):

Học Bác Hồ cách xử lý thông tin

Tôi đồng tình với các giải pháp ngăn chặn tác hại của web, blog có nội dung xấu độc mà Báo Quân đội nhân dân đề cập, cần tổng hòa cả giải pháp về pháp luật, kỹ thuật và quản lý. Nhân chuyện này, tôi liên hệ đến những bài học lịch sử. Từ năm 1947, viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” Bác Hồ đã cho rằng “phương thuốc” tốt nhất đối với Đảng là “tự phê bình và phê bình” song phải lấy xây làm chính, giống như người trồng lúa phải làm sao cho lúa tốt. 

Lúa tốt rồi thì sẽ không ngại dăm ba cây cỏ dại. Cách mạng Tháng Tám mới thành công được hơn một tháng thế mà Báo Cứu quốc đã đăng thư của Chủ tịch nước chỉ có 3 dòng khen, có tới 29 dòng phê bình lỗi lầm rất nặng nề của một số cán bộ. Một tuần sau, Báo Cờ giải phóng, còn đề nghị những cán bộ nọ nên tự giác từ chức.

Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác Hồ kể lại, hồi đó một số đảng viên băn khoăn, lo lắng cho rằng chỉ nên phê bình trong nội bộ, không đưa lên báo thì mới bảo vệ được uy tín của Nhà nước nhưng Bác Hồ cho rằng: “Có lỗi lầm báo cáo với dân càng được dân tin”. 

Vụ án Trần Dụ Châu tham nhũng, cả cục trưởng, phó cục trưởng Quân nhu đều bị tử hình, tình thế kháng chiến khó khăn, ai cũng nghĩ chỉ nên xử lý nội bộ không công khai ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Chính phủ, Quân đội nhưng Báo Cứu quốc, tờ báo hằng ngày duy nhất phát hành cả trong vùng địch tạm chiếm đã đăng 6 kỳ trên trang nhất, kèm theo xã luận. Cũng hiếm có lãnh tụ nào dũng cảm tự đứng ra xin lỗi quốc dân đồng bào vì những sai lầm như Bác Hồ, sau đó xử lý nghiêm túc cả cán bộ ở cấp rất cao của Đảng.

Những câu chuyện trên vẫn còn nguyên tính thời sự để hạn chế việc tung tin xấu trên blog như hiện nay, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Tất nhiên không phải thông tin gì cũng công bố bởi “việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”, song Đảng lãnh đạo phải nghe dân, phải làm tốt công tác tư tưởng mà trước hết muốn để dân hiểu, dân tin thì phải có thông tin đúng đắn.

Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng:

“Thông tin công khai, minh bạch, hành động trung thực, đúng đắn”

Bản thân tôi có lúc đã bị xuyên tạc, vu khống trên mạng. Họ bình luận cả những chuyện đời tư của tôi mà không hề có một chút thực tế nào. Lúc đó, một số đồng chí, đồng đội, bạn bè bức xúc, đề nghị phải lên tiếng, nhưng tôi suy nghĩ khác. Chỉ cần nghe qua, xem qua tôi đã biết những thông tin đó là như thế nào, nhằm động cơ gì. Mình là người đàng hoàng, trong sáng làm gì phải bận tâm, mất thời gian bởi những thứ “rác rưởi” như thế.

Lại có dạo khi tôi có ý kiến tham gia xây dựng Đảng, có một số tờ báo nước ngoài cử người gọi điện đề nghị bình luận, nhận xét về sự kiện này, con người kia. Tôi đã nói thẳng với họ: “Việc tôi tham gia ý kiến là để nhằm góp phần làm cho Đảng tôi, đất nước tôi mạnh lên. Nếu các ông/bà có thiện chí thì cần thông tin có tính chất xây dựng, chứ không nên bình luận, xuyên tạc những điều vô căn cứ để gây chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ chúng tôi”. Sau không thấy mấy tờ báo đó hỏi thêm gì nữa.

Kể lại những chuyện trên đây, tôi muốn nói một điều: Muốn ngăn chặn cái xấu thì trước hết chúng ta phải mạnh, phải tốt; muốn không bị nhiễm bệnh thì cơ thể phải lành mạnh, khỏe khoắn. Cuộc chiến để ngăn ngừa những luồng thông tin xấu độc trên mạng cũng vậy. Để những thông tin xấu độc, phản động tràn lan trên mạng, ngoài trách nhiệm của công tác quản lý, phải chăng những luồng thông tin chính thống của chúng ta còn chưa mạnh, những hành động thực tế còn chưa thuyết phục! Các biện pháp hành chính là cần, nhưng theo tôi điều quan trọng hơn là thông tin của chúng ta phải công khai, minh bạch hơn và hành động của Đảng thông qua đội ngũ cán bộ các cấp phải trung thực, đúng đắn.

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:

“Sự thật như ánh sáng”

Trên những trang mạng, blog vừa qua, có nhiều trang của một số trí thức. Trí thức có người ít phát biểu về thời sự, lại có những người hết sức quan tâm và hay có ý kiến. Đã là trí thức, ai cũng có kiến thức và đặc biệt trí thức Việt Nam, không mấy ai không có lòng yêu nước. Ta không nên quan tâm nhiều về việc người này hay phát biểu, người kia ít, mà quan trọng là nội dung và nhất là xuất phát từ động cơ nào? Từ tấm lòng đối với đất nước, không thể dửng dưng trước tình hình thời cuộc, hay là muốn nhân những dịp này để làm cho mình nổi tiếng? 

Điều này, theo tôi phụ thuộc thái độ và quan điểm của từng người, không ai có thể thông qua ngôn từ hào nhoáng và ồn ào đánh lừa dư luận. Sớm hay muộn bộ mặt thật của anh sẽ lộ rõ, anh thật sự là người yêu nước (cho dù phát biểu của anh có thể khác với nếp suy nghĩ của số đông hay của nhà lãnh đạo), anh thật sự tâm huyết với quốc gia hay anh là phần tử cơ hội, công khai hoặc giấu mình, vì động cơ cá nhân, cố ý hoặc vô tình phục vụ mưu đồ xấu của các thế lực nào đó. 

Nét chung, phẩm cách chung của người trí thức là trước khi phát biểu vấn đề gì họ đều có thái độ khoa học, có trăn trở suy tư, có nghiên cứu, chứ không hồ đồ, càng không a dua theo kẻ khác. Sự thật như ánh sáng, không có gì có thể che khuất hẳn mặt trời, không có thủ thuật nào có thể che mắt được nhân dân, và cuối cùng lịch sử sẽ là người phán quyết công minh”.

Cộng đồng internet: Nhiều phản ứng và chia sẻ

Loạt bài “Thông tin ảo, hiểm họa thật” đã được đăng tải lại trên nhiều báo điện tử, trang web, mạng xã hội, blog, thu hút nhiều phản hồi, bình luận tích cực. Chúng tôi xin trích dẫn một số phản hồi tiêu biểu:
Trong phản hồi gửi cho tác giả, bạn đọc có email Langkinh@... viết: “Một nhóm vài vị tự xưng dân chủ, nhân danh vì cái này cái kia suốt ngày “úp mặt” vào máy tính xào xáo, “cóp pết” thông tin nhằm gây sự chú ý của công chúng thì không đáng phải bận tâm. Tuy nhiên, gần đây sự phát triển rầm rộ của các thể loại báo mạng với tính đa phương tiện và khả năng tương tác cao nên các cơ quan báo chí, nếu không biết cách tác nghiệp hiện đại, đa dạng hóa các phương thức truyền tải thông tin đến với công chúng thì sẽ trở thành cái tên xa lạ đối với bạn đọc thời đa phương tiện, đa truyền thông hiện nay”.

Trên facebook, bạn Trương Quốc Triệu, sinh năm 1992, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng viết: “Ông cha ta nói “gần mực thì đen gần đèn thì rạng”, những kẻ xấu hiện đang dùng chiêu bài "mưa dầm thấm lâu", kiểm soát chính trị bằng con đường mạng xã hội hệt như với vụ "Mùa xuân Arập". Một danh nhân từng nói: "Nếu có thể, hãy dập tắt điều dối trá ngay từ khi nó sinh ra, còn không hãy cách ly nó mãi mãi".

Nhiều bạn đọc đã gửi cho chúng tôi bài viết của một blogger nổi tiếng, hiện là một nhà báo ở phía Nam, với blog cá nhân từng đạt hơn 3 triệu lượt truy cập, trong đó có bài phân tích sâu sắc trách nhiệm xã hội của blogger, có đoạn viết: “Tiến sĩ khoa học xã hội thì lại đi nói về các vấn đề của khoa học tự nhiên, nhà thơ, nhà văn lại phê bình đường lối quản lý kinh tế”, “chống nhà nước thì gọi là “đấu tranh”, chửi quan chức là “dũng cảm”. Cuối cùng tập hợp blog của mấy vị này toàn bài chửi mà không gợi được phải làm gì. “Cứ chửi bới la ó thì được gọi là dân chủ thì nguy quá! Dân chủ đến bằng tiến trình vận động của xã hội chứ không phải bằng chửi bới”.

Trên một diễn đàn đăng lại loạt bài, bạn Lưu Đình Hùng viết: “Nếu họ đã yêu nước tại sao họ lại cố tình đi phá hoại đất nước. Nếu họ đòi quyền dân chủ sao họ không tập trung tuyên truyền cái gọi là dân chủ mà cứ kêu gào phải lật đổ. Sao không về nước đầu tư, giúp nhân dân có thêm nhiều công ăn việc làm. Như thế mới là giúp đất nước phát triển và được nhiều lắng nghe hơn là những câu chửi bới và xúc phạm.

Anh Karel Phùng, một doanh nhân đang làm việc ở Đức viết: “Hiện nay bọn phản động chuyển sang hình thức bất bạo động và dùng các biện pháp: Lập các trang web, trang blog, kích động người dân, xuyên tạc nhằm chia rẽ nội bộ Việt Nam, giả là người trong nước để lên tiếng chỉ trích tất cả. Sai mà chỉ trích là việc đáng khen, nhưng đúng mà chúng cũng cố tình biến thành sai thì quả là xấu. Nếu dám công khai đấu tranh thì hãy thừa nhận mình là ai để chứng minh cho thiên hạ thấy rằng mình nói đúng! Đừng núp trong bóng tối để làm bậy”./.

Theo QDND 
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/208159/print/Default.aspx
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com