Breaking news:
Trang chủ » , » Tự do, nhưng phải khuôn khổ pháp luật!

Tự do, nhưng phải khuôn khổ pháp luật!

Viết bởi Unknown on 18 tháng 9, 2012 | 07:44



   Nhiều quốc gia trên thế giới tự hào có tự do ngôn luận, nhân quyền nhưng đều không chấp nhận các trang mạng công kích cá nhân, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu và tổn hại đến kinh tế, chính trị, văn hóa và đoàn kết dân tộc.
   Vào giữa tháng 7/2012, để kiểm soát những người sử dụng blogs, Twitter và Facebook và xử lý hành vi lợi dụng Internet vào mục đích báng bổ Đạo Hồi và hệ thống luật pháp của Đạo Hồi, Hội đồng Tư vấn về các vấn đề lập pháp của nhà vua Saudi Arabia đã soạn thảo một văn bản Luật cho phép Cơ quan Công tố có quyền trừng phạt những cá nhân vi phạm.
   
Ngay ở trung tâm nền văn minh phương Tây như Anh quốc, việc sử dụng truyền thông vào những mục đích xấu cũng bị nghiêm cấm. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 5, một blogger chính trị là John Graham Kerlen đã bị phạt 6 tháng tù giam vì phát tán “những thông tin công kích ác ý” nhằm vào một quan chức địa phương tại Bexley, Luân Đôn.
    Theo Mục 127 Luật Viễn thông 2003 của Anh, một người sẽ bị xem là có tội nếu phát tán trên mạng những nội dung “công kích hoặc mang tính chất khiếm nhã, tục tĩu hoặc hăm doạ” hoặc nếu phát tán những nội dung người đó biết là sai “nhằm mục đích quấy nhiễu, gây khó chịu và lo lắng không cần thiết”. Chính quyền địa phương Bexley nói rằng họ ủng hộ tự do ngôn luận nhưng khẳng định rằng những hành động của Kerlen đã vượt quá giới hạn có thể chấp nhận được trong khuôn khổ quyền tự do này.
   Hay tại thành phố Clear Lake Shores, bang Texas, Hoa Kỳ, trong tháng 3/2012, một chủ blog là Allan Batchelor đã bị bắt giữ do phạm tội mạo nhận trên mạng. Allan Batchelor đã cho đăng tải trên blog của mình địa chỉ thư điện tử của vợ một ứng viên tranh cử vào hội đồng thành phố và mời những người khác gửi thư rác và virus máy tính tới địa chỉ trên.
    Theo Mục 33.07 trong Luật Hình sự của bang Texas, “một người vi phạm luật nếu người này sử dụng tên hoặc tư cách của một người khác mà chưa có sự đồng ý và với ý định làm hại, lừa gạt, hăm doạ bất kỳ người nào”.
     Theo AFP, quân đội Mỹ đã chuẩn y đề nghị đưa binh nhì Bradley Manning ra xét xử trước tòa án binh với cáo buộc cung cấp hàng trăm nghìn tài liệu được xếp loại mật cho trang mạng WikiLeaks. Quyết định này mở đường cho việc Manning có thể phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc, bao gồm giúp đỡ kẻ thù và có hành vi sai trái khiến thông tin tình báo bị phát tán trên mạng Internet. Ngoài ra, Manning còn bị cáo buộc ăn cắp tài sản và hồ sơ công, chuyển giao thông tin quân sự và lừa đảo trên mạng.
     Có thể khẳng định, mọi quốc gia trên thế giới đều không chấp nhận những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để vi phạm luật pháp hay quy chuẩn đạo đức đang được duy trì trong xã hội sở tại. Rõ ràng, dù ở xã hội nào thì tự do ngôn luận, tự do báo chí đều không đồng nghĩa với việc bóp méo, xuyên tạc sự thật hay xúc phạm và làm tổn thương đến các cá nhân và tổ chức như hành vi gần đây của một số trang mạng chống Đảng, Nhà nước ta. Xã hội càng văn minh thì những hành vi như vậy càng không thể chấp nhận được và cần phải đấu tranh loại bỏ để bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của luật pháp cũng như giữ gìn ý nghĩa tốt đẹp của các quyền tự do của người dân.




-----------------------------------------------------------

Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com