Breaking news:
Trang chủ » » "Đồ yêu nước"

"Đồ yêu nước"

Viết bởi Unknown on 17 tháng 10, 2012 | 08:38

Từ trước đến nay tôi vẫn nghĩ mình là người yêu nước. Cũng tự biết chưa làm được gì to tát cho nước cho dân nhưng bản thân cũng thấy mình chấp hành pháp luật khá nghiêm chỉnh (ngoại trừ vài lần vượt đèn đỏ khi không có ai), nộp thuế đầy đủ. 

Khi ra nước ngoài tôi tuân thủ pháp luật nước sở tại, chưa làm gì điều tiếng cho đất nước, dân tộc. Rồi năm ngoái có tàu nước lạ vi phạm chủ quyền lãnh hải của ta thì tôi cũng lên mạng viết phản đối mấy câu và qua lãnh sự quán nước lạ “bày tỏ ý kiến”. Cũng vẫn tự hào mình là người yêu nước nhưng rồi nhìn lại một số sự kiện gần đây tôi bỗng thấy hoang mang. 


Nhìn lại lịch sử thì do vị trí cũng như hoàn cảnh khách quan, lịch sử của đất nước Việt Nam (từ thời có tên Văn Lang) là lịch sử chống giặc ngoại xâm (mà giặc thì toàn là giặc phương Bắc chứ còn thằng giặc nào vào đây nữa). 

Lòng yêu nước của cha ông ta thể hiện ở tinh thần bất khuất giữ vững nền độc lập cho nước nhà. Tinh thần Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Thời Pháp thuộc, không biết bao nhiêu người con anh hùng của đất Việt đã vùng lên. 

Lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm được Nguyễn Trung Trực thể hiện qua câu nói bất hủ “Bao giờ nước Nam hết cỏ mới hết người Nam đánh Pháp”. Trong chiến tranh, ở mặt trận, lòng yêu nước được cụ thể hóa bằng cách tiêu diệt đối phương còn ở hậu phương, lòng yêu nước được thể hiện ở bằng lời dạy của lãnh tụ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.
Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Bỏ qua cái chữ “nhất” vừa thừa vừa làm ảnh hưởng phần nào đến logic của lời dạy, lời dạy này cũng khiến nhiều người hăng say “thi đua” (chả hiểu thi đua cái gì) và góp phần làm cả một thế hệ váng vất bởi những giá trị ảo. 

Phương châm “Thi đua là yêu nước” đấy được đem vào cả thời bình và từ đó nó đẻ ra cái mà mọi người giờ gọi nhẹ đi là “bệnh thành tích” để tránh đi cái bản chất là “gian dối” và “lừa đảo”. Mới đây thôi, vụ đánh cờ bạc tỷ ở Sóc Trăng, Đinh Văn Mười, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thành ủy vừa được bầu chọn là “chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” thì đã bị bắt mà chưa kịp nhận danh hiệu. Yêu được nước như ông Mười này cũng nào phải đơn giản. 

Tháng 11/2011, Bộ GD&ĐT đánh công văn yêu cầu tất cả các trường, viện thuộc bộ đề nghị toàn bộ nhân viên, học sinh, sinh viên bỏ phiếu bình chọn Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên. Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh “Bầu chọn cho vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới không chỉ thể hiện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc mà còn thể hiện ý thức, sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước trên phạm vi toàn thế giới”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng ra lời đề nghị tương tự cho các bộ ban, ngành, kể cả bộ đội Trường Sa với cùng lý do như trên. 

Gần đây nhất, ông Đinh La Thăng, Bộ Trưởng Bộ giao Thông Vận Tải, sau khi gây ầm ĩ về các giải pháp giao thông quái đản mà không đem lại hiệu quả mấy đã đề nghị một loại phí tên gọi là “Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” (vâng, bạn đọc không nhầm đâu, ta nộp phí hạn chế bản thân ta). Chiều ngày 3/4/2012, đã trả lời báo chí ông Thăng đã phát biểu “Việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào”. 

Cũng không dám viết tiếp nữa (nói thật là cũng tịt cả ý rồi), tôi đang lo một ngày nào đó, có đám cãi nhau đến cao trào chửi nhau, một người khinh bỉ chỉ vào mặt người kia và nói Đồ yêu nước!

Việt Kiều
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com