Breaking news:

Góc nhìn kế hoạch năm 2013

Viết bởi Unknown on 23 tháng 11, 2012 | 18:17

Chưa đầy hai tháng trước khi kết thúc năm 2012 đầy kịch tính, Quốc hội đã thảo luận và thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, sẵn sàng tiến bước vào năm 2013, với mức phấn đấu cao hơn. Đồng tình với nhiều lập luận của các đại biểu Quốc hội và các nhà kinh tế tán thành hệ thống chỉ tiêu 2013 này, tôi muốn có mấy lời bình luận.

Hầu hết các chỉ tiêu năm 2013 hơi nhích hơn năm 2012. Vì vậy nhiều người nghĩ có khả năng thực hiện được. Nhưng cũng cần thấy cả khó khăn khách quan và cả chủ quan, nên nếu không nỗ lực lớn thì khó có thể thực hiện toàn diện. 

Phải phấn đấu cao hơn nhiều mới có thể đạt kế hoạch 2013?

Vì sao? Về nguyên nhân bên trong. Kinh tế nước ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư, nhưng đầu tư mấy năm qua giảm dần về tỷ trọng so GDP. Do đó, khi tính cả tới độ trễ một vài năm thì khả năng tăng trưởng năm 2013 còn khó khăn. 

Thêm vào đó, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, sau thời gian khó khăn mấy năm đang có sức mua và sức tích lũy-đầu tư không cao. Ngân hàng thương mại trong 10 tháng qua tuy huy động được vốn khá cao, trên 14%, nhưng vốn có thể cho vay chỉ hơn 3%, cả năm chỉ khoảng 5%. 

6 chỉ tiêu kinh tế:

● Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%.
● Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.
● Tỉ lệ nhập siêu khoảng 8%. 
● Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP.
● Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%.
● Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Như vậy, xét cả về mặt cung và cầu đều có khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến tăng trưởng một vài năm hiện nay. Nếu điều hành nền kinh tế năm tới mà “lỏng” tay một chút, thiếu chặt chẽ, thiếu phối hợp liên ngành, có thể làm lạm phát tăng cao hơn năm 2012 thì tăng trưởng và ổn định vĩ mô năm 2013 sẽ bị ảnh hưởng. 

Khi đó, thực hiện các chỉ tiêu thu-chi ngân sách cũng trở nên khó khăn, và khả năng vượt thu như một số năm gần đây sẽ trở nên khó hơn. Tất cả sẽ làm cho các chỉ tiêu mục tiêu thêm khó khăn.

Đối với nguyên nhân bên ngoài, có thể thấy do nền kinh tế nước ta có “độ mở” rất lớn, tức là tỷ lệ nhân tố bên ngoài so với quy mô nền kinh tế (cả về thương mại và đầu tư) đều rất lớn, sẽ làm cho các yếu tố bất định bên ngoài đã và sẽ tác động tiêu cực nhanh đến nền kinh tế trong nước. 

Với cơ chế chủ động hội nhập, các tác động đa chiều của môi trường quốc tế xấu đi, đã và sẽ có tác động mạnh mẽ đến tiến trình tăng trưởng và phát triển, trước hết là các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân vãng lai và cán cân tổng thể. 

Thêm vào đó, trong điều kiện kinh tế Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường, bên cạnh các tác động tích cực, cũng có hệ quả trái chiều là các tác động của môi trường thế giới chuyển biến nhanh đang làm cho nền kinh tế của nước ta phản ứng có mặt không theo kịp cả về thể chế và hành vi đa dạng của các tổ chức hay cá nhân, nhà kinh doanh hay người tiêu dùng. 

Hệ quả sẽ tác động đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và môi trường. Tuy nhiên, khi lãnh đạo và người dân biết trước các khó khăn đó, chủ động đối mặt để vượt qua thách thức, thì chúng ta có thể hy vọng nền kinh tế 2013 sẽ có những triển vọng tốt hơn những gì đã đạt được năm 2012. 

Điều đó phụ thuộc trước hết vào chính sách và điều hành của Nhà nước, khắc phục các điểm nghẽn về nợ xấu, hàng tồn khó... cũng như dựa vào nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp và từng gia đình người dân.

Những chỉ tiêu xã hội:

● Tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.
● Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
● Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
● Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%.
● Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%.
● Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22 giường.

Biện pháp bổ sung

Trong điều kiện mô hình tăng trưởng đang bắt đầu được thay đổi thì về cơ bản các quy luật cũ vẫn đang vận hành, kể cả các điểm tốt và chưa tốt. Hãy nói về đầu tư. Một khi số vốn có thể huy động cho nền kinh tế chỉ khoảng 30%GDP, tức là theo ước định chỉ có thể tăng thêm 5-6% nữa so với mức đã đạt được năm 2012. Vậy số vốn này “lấy” từ đâu? Vốn Nhà nước tăng không đáng kể, vì chi tiêu ngân sách cho đầu tư cùng lắm cũng tăng như tăng GDP, tức là tăng khoảng 5-6% theo giá so sánh. 

Nếu tính giá thực tế (tức là thêm yếu tố lạm phát) thì có thể tăng dưới 15%. Vốn FDI theo đà mấy năm nay có thể giữ và tăng chút ít trong điều kiện thuận lợi. Còn vốn của khu vực tư nhân trong nước, ngoài nội lực còn nhiều yếu kém, thì phần lớn sẽ phụ thuộc vào tín dụng đầu tư. 

Như vậy, có thể thấy, ngay chỉ tiêu 30% GDP cũng khó thực hiện. Vậy cần có thể nguồn vốn bổ sung, trong đó việc tìm các giải pháp như phát hành trái phiếu công trình với việc huy động các nguồn vốn đa dạng là rất quan trọng. Đó là việc kết hợp các nguồn vốn tăng lên ngoài dự kiến trong các dự án sử dụng trái phiếu công trình, phụ thuộc vào độ khả thi của các dự án đó. 

Do đó, nên lựa chọn đó là các dự án cơ sở hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông, thủy lợi cấp bách. Các dự án FDI có thể tăng trên thực tế nếu tạo ra được các điều kiện thuận lợi mới, như mở rộng các cơ sở đầu tư đã có với các dự án có “đầu ra” gắn kết với thị trường bên ngoài. 

Các biện pháp tín dụng kích cầu tiêu dùng, kể cả giảm thuế, dãn thuế cũng có tác động tích cực trong năm 2013, ít nhất là từ giữa năm 2013. Công tác xuất nhập khẩu cũng có thể đẩy mạnh hơn, đi vào chất lượng, chứ khả năng tăng số lượng đơn giản như xuất gạo, cà phê, khoáng sản hay dệt may đều khó khăn. Tức là các chính sách mà Chính phủ đã dự kiến cần đi vào chất lượng tăng trưởng ngay từ đầu. Điều này đòi hỏi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa. 

Với điều kiện tăng trưởng kinh tế chậm hơn trung bình kế hoạch 5 năm 2011-2015, việc tạo việc làm, và giảm nghèo bền vững không thực hiện dễ dàng, nhất là trong điều kiện thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Điều đó đòi hỏi, cần có những giải pháp căn cơ hơn, phối hợp đồng bộ trên từng vùng, từng ngành và trên phạm vi cả nước. Cần có những bố trí dự phòng nhất định về lương thực, thuốc men, tầu thuyền và cả tiền bạc để chi viện ngay các vùng dễ bị tác động bởi thiên tai và các cú sốc trên thế giới liên quan đến lương thực, xăng dầu... 

Nghị quyết của Quốc hội khóa 13 đã đề ra hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp, và các cấp, các ngành cần phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo để hoàn thành cao nhất, toàn diện các mục tiêu định hướng đề ra.

3 chỉ tiêu môi trường: 

● Tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%. 
● Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%.
● Tỉ lệ che phủ rừng đạt 40,7%.

Sức ép cho các năm tiếp theo

Khi xác định kế hoạch 2013 được cho là “vừa sức” thì một vấn đề khác cũng cần các nhà kinh tế và hoạch định chính sách tính tới. Đó là sức ép dồn nặng lên hai năm còn lại của kế hoạch 5 năm hiện nay và của kế hoạch 5 năm tiếp theo. Chỉ xét riêng về tăng trưởng kinh tế. Nếu ba năm này đều thực hiện kế hoạch dưới 6%, thì đòi hỏi kế hoạch hai năm cuối ít nhất phải tăng với tốc độ đến 9-10% mới đạt được mục tiêu tăng 7-8% của kế hoạch 5 năm. 

Như vậy tính khả thi là không có, vì đòi hỏi phải nâng tốc độ thêm 3-4% so với mức có thể thực hiện trong ba năm đầu. Hơn nữa, nếu 5 năm này có khó khăn, không đạt tốc độ bình quân hơn 7%, thì kế hoạch 5 năm tiếp sau phải tăng 8-9% mới đạt được kế hoạch của Chiến lược 10 năm hướng tới 2020. 

Nhưng điều này cũng khó khả thi trong điều kiện không chỉ thế giới khó khăn, mà nước ta đang chủ động đổi mới mô hình tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng khó cao được (ngay Trung Quốc cũng chỉ dự tính tăng khoảng 7%). 

Như vậy, trong khó khăn chung đó, nên hướng tới chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững hơn là chạy đua theo tốc độ tăng trưởng đơn thuần. Về vấn đề này càng khó hơn, khi 2020 lại là thời điểm cơ bản hoàn thành mục tiêu nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thách thức còn lớn, và các nhà nghiên cứu đang chuẩn bị các phương án khả thi để trình lên cấp lãnh đạo, hướng tới hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo VnEconomy
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com