Breaking news:
Trang chủ » , , , » Nhiều tín hiệu khả quan cho kinh tế Việt Nam 2013

Nhiều tín hiệu khả quan cho kinh tế Việt Nam 2013

Viết bởi Unknown on 27 tháng 12, 2012 | 18:35

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới năm 2012 còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,03% được đánh giá là mức hợp lý. Những khó khăn của kinh tế Việt Nam năm 2012 có thể sẽ tiếp tục kéo sang năm 2013, tác động tới tăng trưởng song ở mức độ không lớn, kinh tế năm 2013 có thể khả quan hơn. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một số kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013, trong đó phân tích diễn biến của tình hình kinh tế quốc tế và trong nước cũng như cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng để nâng cao mức tăng trưởng.

Nhiều kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2013

Nhận định về kinh tế năm 2013, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2013 tùy theo diễn biến trong đời sống kinh tế quốc tế và trong nước.

Đó là, GDP tăng lần lượt ở mức 5%; 5,67% và 6,34% so với năm 2012. Trong đó, kịch bản 2 (GDP đạt mức 5,67%; tăng trưởng xuất khẩu 14,6%) được nhóm nghiên cứu coi là kịch bản chủ, có nhiều khả năng nhất. 

Việt Nam cần chính sách tháo gỡ khó khăn của kinh tế Việt Nam năm 2012 chuyển sang năm 2013, đồng thời có các chính sách để tận dụng tốt cơ hội mới nảy sinh trong môi trường kinh tế quốc tế.
Tại kịch bản thứ 2 này, các chuyên gia cho rằng triển vọng kinh tế thế giới sáng sủa hơn khi nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu không còn là vấn đề lớn; xung đột chính trị và tranh chấp chủ quyền biển đảo dịu bớt; nền kinh tế Mỹ được phục hồi khá, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản gần tương tự như năm 2012, thương mại thế giới tốt hơn năm 2012, dòng vốn đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ khả quan hơn.

PGS, TS Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng: để đạt được kịch bản này, phải thực hiện trước hết là các chính sách tháo gỡ những khó khăn của kinh tế Việt Nam năm 2012 chuyển sang năm 2013; đồng thời, có các chính sách để tận dụng tốt cơ hội mới nảy sinh trong môi trường kinh tế quốc tế.

“Chính phủ phải tiếp tục duy trì các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Thứ 2, phải có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh, trong đó là các chính sách về thuế, phí. Có chính sách khuyến khích tiêu dùng, tạo thị trường đầu ra cho doanh nghiệp. Thứ 4 là phải nhanh chóng đón bắt cơ hội mới, các dòng vốn FDI, ODA có xu hướng chuyển dịch từ Nhật Bản hoặc các dòng vốn đầu tư từ Ấn Độ đang dịch chuyển vào ASEAN”-ông Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh dự báo của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng có những kịch bản khác về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2013 dựa trên khả năng phục hồi của nền kinh tế và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Nhóm chuyên gia của Học viện Ngân hàng đưa ra 3 kịch bản cho nền kinh tế trong năm 2013. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 lần lượt được dự báo ở mức 4,96%; 5,44% và 6,01% so với năm 2012, thấp hơn so với dự báo về tốc độ tăng trưởng của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia. Trong đó, kịch bản 2 (GDP ở mức 5,44%) được coi là có tính khả thi cao nhất so với thực trạng kinh tế hiện nay của Việt Nam.

Những tín hiệu tích cực…

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng, mặc dù kinh tế năm 2012 còn nhiều khó khăn, song trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa của nhiều quốc gia giảm mạnh do sức tiêu thụ của các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản suy yếu thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm nay vẫn tăng mạnh là một tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam.

Theo bà Thanh, vấn đề quan trọng là cần xác định các mục tiêu phát triển phù hợp, các chính sách điều tiết hướng tới sự ổn định, giải quyết các vấn đề của nền kinh tế, trong đó đặc biệt tập trung vào giải pháp giải quyết tình trạng suy giảm tổng cầu.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng: “Chính sách tiền tệ vẫn phải theo đuổi những chính sách thận trọng như năm 2012, tập trung tháo gỡ những khó khăn hiện nay như: phải thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng ta phải tạo cho doanh nghiệp môi trường hoạt động thông suốt nhất, không có rào cản nào làm cho doanh nghiệp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động sản xuất của mình. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng như thị trường tài chính phải tạo ra được lòng tin thị trường tốt hơn để các khoản vốn vay mượn có thể thông suốt hơn, thì sẽ tạo ra được dòng vốn hữu ích hơn cho tăng trưởng kinh tế”.

Còn theo một số chuyên gia nước ngoài, tình hình kinh tế Việt Nam trong năm tới có nhiều dấu hiệu khả quan hơn, tuy vẫn còn nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013 dự kiến sẽ dừng lại ở mức độ vừa phải, khoảng 5,5%.

Tiến sỹ Michael Krakowski, Cố vấn trưởng, Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô tại Việt Nam của Tổ chức hợp tác phát triển Đức nhận định: “Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì sự tăng trưởng trong thời gian qua. Nếu những giải pháp như kiềm chế lạm phát, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… đạt được hiệu quả thì kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển trong thời gian tới. Tôi cho rằng, Việt Nam nên có những cải cách toàn diện nền kinh tế với các giải pháp đồng bộ như nâng cao hiệu quả đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng... gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.

Trong năm tài khóa 2013, Việt Nam tiếp tục nhận được gần 6,5 tỷ USD vốn ODA từ các nhà tài trợ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, đây là một tín hiệu tốt, cho thấy niềm tin của các đối tác quốc tế đối với Việt Nam. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam giải quyết các khó khăn nội tại của nền kinh tế, tận dụng tốt các cơ hội mới để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn./.

Theo VOV Online
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com