Breaking news:
Trang chủ » , , » Xử lý nợ xấu: “Việt Nam không cần vay ai”

Xử lý nợ xấu: “Việt Nam không cần vay ai”

Viết bởi Unknown on 13 tháng 11, 2012 | 18:45

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)
Đây là tiết lộ được TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết trong hội thảo “Cập nhật tình hình kinh tế và Tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng Việt Nam” diễn ra sáng nay (13/11).

Theo ông TS. Thành, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam 2012 đã được cải thiện, song rủi ro vẫn còn hiện hữu, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm chạp, yếu và còn nhiều khó khăn. Những điểm sáng của kinh tế vĩ mô là lạm phát năm đang giảm tốc nhanh, thâm hụt thương mại giảm mạnh, cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Tuy nhiên, rủi ro là lạm phát cao vẫn có thể trở lại do những cú sốc bên ngoài, hoặc chính sách điều hành; thâm hụt ngân sách lớn, việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chậm, lòng tin vào sự ổn định còn thấp.

Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dù đã có cải thiện song vẫn gặp nhiều khó khăn: cầu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn, sản xuất kinh doanh đình trệ, đình đốn ở nhiều khu vực. Việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh (theo Nghị quyết 13 của Chính phủ và các giải pháp bổ sung của Quốc hội) nhằm tác động cho cả bên “cung” và “cầu”, song tác động không thật lớn.

Gói hỗ trợ khó có thể là cứu cánh đủ quy mô do Việt Nam cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cho năm 2012 và các năm tiếp sau. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đi vào tái cấu trúc, tập trung vào hiệu quả và nguồn lực cho chi phí cải tổ. Thêm nữa, quá trình dịch chuyển khỏi đáy cần phục hồi dần dần.

Ông Thành nhận định, giai đoạn 2013-2015 Việt Nam cần tạo bước ngoặt phát triển của nền kinh tế, tập trung vào 3 mục tiêu chính.

Thứ nhất là lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô (thực thi chính sách “đồng tiền chặt chẽ”). Thứ hai là cải cách thể chế, tháo gỡ nút thắt kết cấu hạ tầng và nguồn lực. Thứ ba là tái cấu trúc khu vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng.

Nhận định riêng về vấn đề tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng, theo ông Thành, Việt Nam đang có những thuận lợi là có sự thay đổi nhận thức của cả bộ máy chính trị. Chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước đây. Tuy nhiên, có những khó khăn là việc vượt qua được lợi ích nhóm, chưa kể sự thiếu hụt nguồn lực.

“Chương trình xử lý nợ xấu đang được xem xét và sắp được công bố trong vài ngày tới”, ông Thành tiết lộ. Đây là một trong những điểm tích cực của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, cụ thể là từ nay đến đầu năm 2013. Theo ông Thành, vấn đề xử lý các doanh nghiệp nhà nước yếu kém cũng sẽ rõ ràng hơn vào đầu năm tới.

Ông Thành khẳng định: “Để xử lý nợ xấu, Việt Nam không cần vay ai. Vấn đề xử lý nợ xấu sẽ được giải quyết nếu có một định chế xử lý nợ xấu được thành lập, phải có cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện cho định chế này hoạt động. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ứng xử với áp lực xã hội, giải trình với người dân. Đồng thời, việc xử lý ai trước, ai sau sẽ là vấn đề cần đặt ra. Nếu chúng ta làm tốt, chương trình này có thể áp dụng từ cuối quý 1/2013”.

Theo DanTri
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com