Breaking news:
Trang chủ » » Hệ lụy ngân hàng sau cái chết của doanh nghiệp

Hệ lụy ngân hàng sau cái chết của doanh nghiệp

Viết bởi Unknown on 1 tháng 11, 2012 | 21:08


Chỉ khi nào hệ thống ngân hàng được dọn dẹp, sắp xếp lại, nợ xấu được căn bản giải quyết… thì mới mong nền kinh tế có ngày được hồi phục, doanh nghiệp mới mong thoát khỏi cảnh cơ hàn.


>>> “Việt Nam cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô”

>>> Tăng trưởng hợp lý nhìn từ 2013

Năm 2011, cuộc chạy đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng kéo theo bao hệ lụy cho doanh nghiệp. Lãi suất cho vay được đẩy lên trên 20% còn nền kinh tế phải vật lộn trong khủng hoảng, sức mua suy yếu, hàng tồn kho chất đống… khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp, sau thời gian dài cố gắng cầm cự, đã phải… khai tử.

Báo chí nhanh chóng chỉ rõ và lên án “thủ phạm”, trong đó có những cảnh báo đối với chính các ngân hàng bằng lời “sấm” đầy hình ảnh ẩn dụ về quan hệ cộng sinh đặc biệt giữa ngân hàng - doanh nghiệp … “Trạng chết chúa cũng băng hà”!

Thực ra, ngay khi cuộc đua lãi suất được phát động, “chúa” đã biểu hiện những dấu hiệu…hấp hối. Bằng việc đẩy lãi suất kỳ hạn ngắn lên cao hơn kỳ hạn dài, các ngân hàng đã tự vạch rõ tình trạng thanh khoản thoi thóp của mình và tạo nên những hoài nghi của dư luận về nguyên nhân đằng sau nó: Nợ xấu!

Giải quyết đống nợ xấu này đến bây giờ vẫn là một bài toán chưa có lời giải . Báo chí lên tiếng, rồi chuyên gia kinh tế góp ý, quốc hội tranh luận quyết liệt… nhưng cuối cùng bản thân Thống đốc NHNN cũng “không thể hứa gì về xử lý nợ xấu”…

Nên các ngân hàng, sau thời gian đùn đẩy “cái chết” về phía doanh nghiệp, cuối cùng cũng không tránh khỏi sự trả giá.

Những cái tên biến mất!

Giảm số lượng ngân hàng là một mục tiêu hướng tới trong công cuộc Tái cấu trúc thị trường tài chính mà Ngân hàng thương mại là trung tâm. Lộ trình giảm này đang diễn ra rất nhanh, đúng với sự kỳ vọng của dư luận. Nguyên nhân? Rất nhiều ngân hàng không thể cầm cự trước tình trạng thanh khoản yếu ớt, không thể tự mình giải quyết đống nợ xấu, mà cần nương nhờ vào một Ngân hàng khỏe mạnh khác cùng với sự trợ giúp của NHNN.
Tuy nhiên, ngẫm lại thì các ngân hàng vẫn còn được ưu ái chán khi cách thức giảm số lượng không phải là… “băng hà”. Bởi vì Thống đốc NHNN đã cam kết đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền, nên sẽ không cho phép thành viên nào “chết” cả. Việc giảm số lượng vì vậy chỉ có thể thông qua con đường hợp nhất, sáp nhập.

Cuối năm 2011, ba ngân hàng SCB, TinNghiaBank và Ficombank hợp nhất là bước đi đầu tiên cho trên lộ trình giảm số lượng ngân hàng ở Việt Nam. Tháng 8/2012, sau vài tháng chuẩn bị với nhiều hồ nghi đồn đoán từ dư luận, Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) cuối cùng cũng sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB). Từ 28/8, cái tên Habubank sẽ chỉ còn tồn tại trong nỗi nhớ của người dân về một thời gắn bó của Ngân hàng này từ 1989. “Giá trị tích lũy niềm tin” - Habubank trong thời gian hoạt động dù dành được nhiều tình cảm của nhân dân Thủ đô, song bản thân nó không thể tồn tại bằng… niềm tin khi mà việc giải quyết đống nợ xấu nằm ngoài khả năng.

Vài ngày gần đây, tin từ NHNN xác nhận đã chấp thuận cho hai ngân hàng là DaiABank và HDBanksáp nhập với nhau. Công việc còn lại là thuộc về hai ngân hàng này.

Một trường hợp sáp nhập còn để ngỏ nữa là Eximbank và Sacombank. Theo như chia sẻ của ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank thì “không loại trừ khả năng sẽ hợp nhất hai ngân hàngkhi hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Dự kiến theo kịch bản này thì đâu đó vào năm 2015, Việt Nam sẽ có một ngân hàng TMCP với quy mô vốn điều lệ khoảng 30.000 tỷ đồng, có khoảng 600 chi nhánh trải rộng khắp toàn quốc.”  
Quá trình tái cấu trúc Thị trường tài chính mà Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề cập, được dự kiến tiến hành trong 5 năm, bắt đầu từ 2012. Nên câu chuyện vừa qua giữa Eximbank và Sacombank có lẽ chỉ là bước khởi đầu. Thời gian sắp tới chắc chắn sẽ có thêm những vụ hợp nhất, sáp nhập… để nối dài thêm danh sách ngân hàng từng tồn tại!

Lợi nhuận giảm sút!

Quý 3/2012 trôi qua, con số lợi nhuận từ các Ngân hàng thương mại là thông tin được dư luận săn đón. Tuy nhiên, thay vì “ném đá” ngân hàng như trước đây, dư luận đã có cái nhìn cảm thông hơn. Bởi vì con số lợi nhuận đó… thực sự thất vọng.

ACB, sau hàng loạt sự cố trong quý III, đã ghi nhận số lỗ 659 tỷ đồng trong quý 3, ngoài ra tổng tài sản còn giảm hơn 3 tỷ đô la so với đầu năm.  
Lợi nhuận sau thuế của BaoVietBank trong quý 3 chỉ vỏn vẹn 5.2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đạt 73.8 tỷ đồng, giảm 24.6% so với năm 2011. LienVietPostBank có kết quả Lợi nhuận sau thuế quý 3 là 67.65 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ 2011; lũy kế 9 tháng trong năm 2012 đạt 467.9 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Một số ngân hàng khác như Techcombank, DaiABank cũng có kết quả lợi nhuận sụt giảm so với 2011. Việc hoàn thành chỉ tiêu năm nay, vì vậy, trở thành việc xa xỉ đối với ngành Ngân hàng.  
Vietinbank và Vietcombank trở thành điểm sáng hiếm hoi. Vietcombank đạt 1,436 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý III/2012, tăng 6% so với cùng kỳ 2011. Vietinbank còn gây ấn tượng hơn với mức tăng 70% lên 3,117 tỷ đồng. Nhưng dù vậy, nét chấm phá này của hai ông lớn không làm cho màu sắc bức tranh lợi nhuận ngân hàng bớt phần u ám.  
Thời gian trước, trong tình cảnh doanh nghiệp phá sản, giải thể hàng loạt thì dư luận lên án ngành ngân hàng vì lợi nhuận khủng, lương thưởng nhiều. Nhưng đến thời điểm này, khi ngân hàng đang phải trả giá thì không ai có thể vui vẻ được. Đơn giản vì hệ thống ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế. Vai trò quan trọng này càng được nâng thêm tầm trong điều kiện Việt Nam tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào dòng vốn tín dụng. Chỉ khi nào hệ thống ngân hàng được dọn dẹp, sắp xếp lại, nợ xấu được căn bản giải quyết… thì mới mong nền kinh tế có ngày được hồi phục, doanh nghiệp mới mong thoát khỏi cảnh cơ hàn.
Nguồn: vietstock
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com