Breaking news:
Trang chủ » , , » Tăng trưởng hợp lý nhìn từ 2013

Tăng trưởng hợp lý nhìn từ 2013

Viết bởi Unknown on 27 tháng 10, 2012 | 20:39


Tăng trưởng hợp lý là mục tiêu mới xuất hiện trong một vài năm nay. Vậy thế nào là tăng trưởng hợp lý và cần nhận diện tính hợp lý trong tăng trưởng 2012 và dự kiến mục tiêu 2013?


Tính hợp lý xuất phát từ sự cần thiết và tính khả thi của tốc độ tăng trưởng.

Tăng trưởng nhanh là một trong những đỉnh quan trọng hàng đầu trong tứ giác mục tiêu (tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít). Nhưng đó là mục tiêu lý tưởng. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy tình hình nào thì mục tiêu ấy, mục tiêu nào thì giải pháp đó. Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cũng cho thấy, mục tiêu trong tương lai đạt được không hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ tăng cao trong ngày hôm nay, mà phụ thuộc phần lớn vào sự bền vững của tốc độ trong dài hạn. 

Hơn nữa, yếu tố để tăng trưởng cao về số lượng, để phát triển theo chiều rộng (như tăng vốn đầu tư, tăng số lượng lao động, tăng khai thác tài nguyên...) làv có giới hạn và thường gây ra các hiệu ứng không nhỏ (như tăng nợ nần, tàn phá môi trường, cạn kiệt tài nguyên...), phải mất nhiều thời gian và chi phí để khắc phục. Nếu không dựa nhiều vào các yếu tố chất lượng, các yếu tố phát triển theo chiều sâu (như tăng hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động...) thì sẽ thua trong cạnh tranh và ngay cả việc tăng trưởng theo tốc độ cũ cũng không thực hiện được.

Việc chuyển đổi từ mục tiêu tăng trưởng cao sang tăng trưởng hợp lý là sự chuyển đổi tư duy quan trọng. Đây là sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng, từ chiều rộng sang chất lượng, sang phát triển theo chiều sâu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, để phát triển bền vững.

Với quan điểm như trên, có thể xem xét tốc độ tăng GDP từ năm 2000 đến 2011, ước thực hiện 2012 và dự kiến mục tiêu 2013 để phân tích về tính hợp lý của tăng trưởng GDP 2012 và dự kiến mục tiêu 2013.

TỐC ĐỘ TĂNG GDP QUA CÁC NĂM (%) - Nguồn: Tổng cục Thống kê và Báo cáo của Chính phủ


Tốc độ tăng GDP quý I đạt 4%, 6 tháng tăng 4,34%, 9 tháng tăng 4,73% tuy thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm trước, nhưng có xu hướng cao lên qua các quý. Để cả năm đạt được tốc độ tăng 5,2%, thì quý IV phải tăng 6,28%, phải phấn đấu quyết liệt mới có thể đạt được. Tốc độ tăng 5,2% của năm 2012 tuy thấp nhất tính từ năm 2000 đến nay và thấp hơn tốc độ tăng theo mục tiêu ban đầu (6- 6,5%), nhưng có thể được coi là hợp lý, bởi nhiều lẽ.

(1) Mục tiêu của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc kiềm chế lạm phát đã đạt được kết quả tích cực khi dự báo cả năm CPI sẽ chỉ tăng chưa bằng một nửa năm trước (khoảng 8% so với 18,13%) và đạt được mục tiêu đề ra (ban đầu là dưới 10%, giữa năm là 7- 8%). Việc ổn định kinh tế vĩ mô cũng đã đạt được kết quả ban đầu. Xuất khẩu tăng trưởng khá (16,6%), nhập siêu thấp xa so với năm trước và kế hoạch. Cán cân tổng hợp đạt thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng khá; tỷ giá ổn định... Thu ngân sách gặp khó khăn, nhưng tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP ở mức 4,8%- đạt được mục tiêu đề ra.

(2) Nền kinh tế gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra. Vốn đầu tư/GDP giảm mạnh so với trước (29,5% so với 34,6% của năm 2011, so với bình quân 39,1% của thời kỳ 2001- 2005 và bình quân 41,9% của thời kỳ 2006- 2010), trong đó tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư giảm so với trước. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng đã chậm lại nhanh (năm 2011 còn 12% sovới trên 30% trong nhiều năm trước đó, năm 2012 đã giảm trong nhiều tháng, mới tăng trong vài tháng nay và dự ước cả năm còn tăng thấp hơn nhiều so với năm 2011). Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, sau khi loại trừ yếu tố giá, đã thấp xa so với các thời kỳ trước (năm 2011 tăng 4,7%, 9 tháng năm 2012 tăng 6,7% so với tốc độ tăng bình quân 15% của thời kỳ 2006- 2010, 11,8% của thời kỳ 2001- 2005).

(3) Năm 2011 và 2012 là những năm khởi đầu của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu.

Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2013 ở mức 5,5%, cao hơn tốc độ tăng 5,2% theo ước tính năm 2012. Có ý kiến đề nghị cần cao lên (6%); có ý kiến đề nghị chỉ ở mức 4,5- 5%, thậm chí chỉ ở mức 4- 4,5%. Ý kiến 6% là chủ yếu nhấn mạnh đến sự cần thiết; ý kiến 4,5- 5% lại chủ yếu nhấn mạnh đến tính khả thi.

Ảnh minh họa


Sự cần thiết của tăng trưởng 6% thì cũng dễ hiểu, để tránh tụt hậu xa hơn, để thực hiện mục tiêu chung của cả kế hoạch 5 năm (2011- 2015), để giải quyết công ăn việc làm..., nhưng cần lưu ý tới những hiệu ứng như đã nêu ở trên. Hơn nữa còn phải có tính khả thi. Trong khi, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn lớn ở cả đầu vào và đầu ra.

Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP về cơ bản vẫn như 2011, trong đó vốn đầu tư từ khu vực nhà nước, nhất là từ ngân sách nhà nước giảm, hoặc có tăng là do tính theo giá thực tế, còn nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì giảm xuống. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP không tăng, để tăng GDP cao hơn, thì phải tăng hiệu quả đầu tư. Phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn thì mới có thể nâng cao hiệu quả đầu tư (theo mục tiêu, hệ số ICOR năm 2013 là 5,5 lần, thấp hơn nhiều so với hệ số 5,9 lần của năm 2011 và trên 5,7 lần của năm 2012). Về tín dụng, Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập tới, nhưng với tình trạng nợ xấu chưa rõ là bao nhiêu (có thể còn cao hơn mức 202 nghìn tỷ đồng như Ngân hàng Nhà nước đưa ra cách đây mấy tháng) và chưa thấy có biện pháp xử lý cụ thể. Trong khi đó về bất động sản đang rơi vào chu kỳ (vòng luẩn quẩn) “xiết nợ- bất động sản sụt- tài sản thế chấp bốc hơi- ngân hàng càng kiệt quệ- xiết nợ càng cao”.

Ở đầu ra, tốc độ tăng tồn kho có chậm lại, nhưng vẫn còn rất lớn; tồn đọng phổ biến ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, từ nông, lâm, thuỷ sản, công nghệ phẩm, bất động sản... và ngay cả tiền vốn của ngân hàng. Trong khi sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng chậm hơn, thậm chí có một bộ phận còn giảm (do thất nghiệp, thiếu việc làm...); nếu lương tối thiểu lại không tăng thì sức mua cũng không tăng và vòng luẩn quẩn “sức mua giảm- tồn kho tăng- sản xuất giảm- nợ xấu tăng- tín dụng giảm” sẽ lặp lại. Xuất khẩu theo mục tiêu 2013 tăng chậm lại so với tốc độ tăng ước tính của năm 2012 (10% so với 16,6%)...

Những yếu tố trên đã khiến không ít chuyên gia nhìn nhận mục tiêu phấn đấu năm 2013 ở mức bằng như năm 2012 vừa có tính khả thi, vừa để ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Minh Ngọc (VGP)
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com