Breaking news:
Trang chủ » , , » Giữ vững niềm tin trong cuộc đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Giữ vững niềm tin trong cuộc đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Viết bởi Unknown on 22 tháng 10, 2012 | 20:27



Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu (1989-1991), nhà khoa học chính trị Mỹ Francis Fukuyama đã xuất bản cuốn sách “Sự tận cùng của lịch sử”. Theo Fukuyama, “nền dân chủ tự do” phương Tây là chặng cuối cùng của loài người, mà các quốc gia đều không thể vượt qua. Nói cách khác, chủ nghĩa tư bản sẽ là hình thái kinh tế xã hội cuối cùng của nhân loại. Về mặt chính trị điều đó có nghĩa sẽ không có chủ nghĩa xã hội, cũng như không có chủ nghĩa cộng sản. Tất nhiên, đó là mong muốn của chủ nghĩa đế quốc và những kẻ tay sai cho chúng.

Những sự kiện “Chiếm phố Uôn” năm ngoái và khủng hoảng nợ công châu Âu hiện nay cho thấy, chủ nghĩa tư bản không phải là giải pháp hữu hiệu, là chế độ cuối cùng của nhân loại. Đối với chúng ta thì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là tương lai của loài người. Tất nhiên, để đến xã hội đó các dân tộc còn phải vượt qua nhiều chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức. Con đường đó không đơn giản chỉ là việc loại bỏ những cán bộ, đảng viên, công chức thoái hóa, biến chất mà vấn đề lớn hơn còn là xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị, kinh tế sao cho có khả năng ngăn ngừa sự trì trệ, suy thoái của chế độ, của Nhà nước.

Trong thời đại ngày nay, phát động một cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài đối với một quốc gia là khó có thể thực hiện được. Hơn nữa, nếu có thể làm được điều đó thì người ta cũng phải trả giá đắt về quân sự và chính trị. Hơn nữa, người ta cũng không thực hiện được mục tiêu của chiến tranh là nâng tầm ảnh hưởng của mình với cộng đồng thế giới, để từ đó giành được các lợi ích về kinh tế. Chọn chiến lược tác động, thúc đẩy để đối tượng “tự diễn biến” (TDB), “tự chuyển hóa” (TCH) từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản là giải pháp khôn ngoan nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất. 

Khái niệm TDB, TCH ra đời không lâu, trước Đại hội XI. Nhưng điều quan trọng là nó được chính thức đưa vào văn kiện Đại hội XI, đặc biệt được nhắc đến nhiều trong nội dung và quá trình triển khai Hội nghị Trung ương 4. 

Đánh giá những khó khăn, thách thức về chính trị, kinh tế, xã hội, Văn kiện Đại hội XI có đoạn viết: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ", “nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”[1]. Bởi vậy, nhiệm vụ phòng, chống TDB, TCH là một nhiệm vụ chính trị có tầm quan trọng đặc biệt, được xem là vấn đề “sống còn” của Đảng, của chế độ, nhất là trong tình hình hiện nay.

Về mặt ngôn ngữ, khái niệm TDB chủ yếu nhấn mạnh đến quá trình tự vận động của sự vật, hiện tượng. Trong khi khái niệm TCH chủ yếu nói lên xu hướng thay đổi (về chất) của sự vật, hiện tượng, mà ở đây là xu hướng chuyển từ nhận thức và hành vi của cán bộ, công chức từ đi theo con đường XHCN sang con đường TBCN. 

Có thể nói, TDB, TCH là một quá trình tự vận động, thay đổi nhận thức, hành động của một bộ phận cán bộ, công chức của Đảng và Nhà nước, đi từ khẳng định chế độ xã hội XHCN sang lựa chọn chế độ TBCN. Quá trình này chịu sự tác động và chi phối của cả nhân tố khách quan và chủ quan, song nhân tố chủ quan là chủ yếu. 

Phân tích nguyên nhân hình thành và nguy cơ TDB, TCH trong nội bộ Đảng, Nhà nước ta trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (28-2-2012) (khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ..., đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế tác động vào Đảng. Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu-nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?”. 
"Tư duy nhiệm kỳ", "lợi ích nhóm", như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, phải chăng là sự kết hợp những mặt trái của kinh tế thị trường với sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay? 

Lợi dụng tầm quan trọng và tính phức tạp của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phòng, chống TDB, TCH nhất là trong quá trình triển khai Hội nghị Trung ương 4 và Trung ương 6, thời gian qua trên nhiều phương tiện thông tin, nhất là trên các mạng nước ngoài, không ít kẻ đã xuyên tạc cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng trong nội bộ Đảng, Nhà nước ta, xem đó là cuộc tranh phe phái trong Đảng nhằm giành quyền lực, bổng lộc. Thậm chí có kẻ còn cho rằng “đây là thói đời”, là chuyện “ghen ăn, tức ở”, là sự hẹp hòi của con người, v.v và v.v...

Lợi dụng tính phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh này, họ mưu toan “lái” nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về mục tiêu làm trong sạch Đảng, Nhà nước sang phủ nhận chủ nghĩa xã hội, phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người ta quy tất cả nguyên nhân dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, bệnh "nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm” là do sự “độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Muốn xóa bỏ quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, theo họ phải “xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị” của Đảng Cộng sản Việt Nam”, phải “xóa bỏ CNXH”... Sự suy luận vô căn cứ này khiến không ít người ngộ nhận về cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhằm chỉnh đốn Đảng, đồng thời gây ra tình trạng mất phương hướng, mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chế độ xã hội XHCN, vào Đảng và Nhà nước ta. 

Không phủ nhận rằng tệ quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là một nguy cơ lớn đối với Đảng và Nhà nước ta. Trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều khóa nay có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy tội...) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình…”. 

Về mặt lý luận, phòng, chống thoái hóa nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền đã được Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến từ rất sớm.
Vào năm 1923, nghĩa là sau 5 năm, khi Nhà nước Xô-viết ra đời, Lê-nin đã nhận xét về nhà nước đó như sau: "Tình hình bộ máy Nhà nước của chúng ta thật đáng buồn, và cũng có thể là đáng kinh tởm… Xin nói thêm trong ngoặc rằng bọn quan liêu ấy ở nước ta không những có trong các cơ quan Xô-viết, mà còn có cả trong những cơ quan của Đảng nữa”[2] . Từ nhận xét đó, Người đề ra phải nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ dân ủy thanh tra công nhân, phải xây dựng bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc "Thà ít mà tốt”, phải “Học, học nữa, học mãi”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhạy cảm về vấn đề này. Chỉ sau một năm khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Người đã nhận thấy hiện tượng cán bộ, công chức Nhà nước “lên mặt làm quan cách mạng”, vi phạm quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Trong thư “Gửi các Ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện và làng”, tháng 10-1945, Người viết: “Nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”[3]. Như cảm nhận được nguy cơ suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong bài “Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[4] . 

Trong Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt căn dặn Đảng ta về công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Người nói: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[5]. 

Trên lĩnh vực lý luận, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, TDB, TCH trong giai đoạn hiện nay không chỉ là một vấn đề chính trị - thực tiễn bức xúc, mà còn là một vấn đề thuộc về thể chế của xã hội XHCN, cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ và đưa vào cuộc sống. 

Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức không đơn giản chỉ là vấn đề của nhân cách (cá nhân) mà bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa hơn - từ thể chế nhà nước - từ thiếu sự cân bằng giữa các nhánh quyền lực, thiếu cơ chế giám sát độc lập, thiếu dân chủ, công khai… 

Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh này vì:

Nhân dân ta luôn luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường XHCN và xem chế độ xã hội ngày nay là thành quả được xây dựng và bảo vệ bằng xương máu của cả dân tộc.

Chúng ta cũng hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là từ những bài học đau xót rút ra qua những vụ việc tham nhũng lớn vừa qua Đảng, Nhà nước, nhất là Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật… có khả năng ngăn chặn tận gốc sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức.

Đồng thời, cuộc chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 sẽ được tiếp tục triển khai trên nhiều “kênh”, với sự tham gia, đóng góp của các tổ chức chính trị xã hội… nhất là có sự theo dõi, giám sát của toàn dân, như Đảng ta mong muốn… 

Là đảng theo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, là đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, chúng ta có quyền tin tưởng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, với khả năng phát triển sáng tạo lý luận, một lần nữa Đảng ta sẽ đưa dân tộc ta, đất nước ta vượt qua giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, thử thách này.

Nguồn: www.qdnd.vn
Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com