Breaking news:
Trang chủ » , » Không thể ngụy biện “tự do ngôn luận” để xuyên tạc, chống phá Nhà nước

Không thể ngụy biện “tự do ngôn luận” để xuyên tạc, chống phá Nhà nước

Viết bởi Unknown on 15 tháng 9, 2012 | 21:19




Tùy điều kiện chính trị, xã hội từng quốc gia mà có các quy định quản lý khác nhau về thông tin trên internet, song nguyên tắc chung là không chấp nhận việc thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cao hơn là xâm phạm an ninh quốc gia.
Như đã thông tin, ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc một số trang thông tin điện tử (blog, mạng xã hội) đăng tải thông tin có nội dung vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội.


Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. 
Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo nói trên của Thủ tướng, ngày 13/9, trên một số trang mạng xã hội, blog lại xuất hiện các thông tin ngụy biện rằng, viết, bình luận trên internet là quyền tự do thông tin, việc siết chặt quản lý internet là vi phạm “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”…
Đây là cách giải thích mang tính quy chụp, hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Ở Việt Nam hay nhiều quốc gia trên thế giới, việc thông tin trên internet đều phải tuân thủ những quy định, nguyên tắc cụ thể, trong đó dù ở nước đang phát triển hay các nước phát triển, các thông tin đăng tải lên internet phải đảm bảo tính khách quan, chính xác. Các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ cá nhân, tổ chức đều là phạm pháp và người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước luật pháp.
Tại các nước phát triển, nơi được cho là mảnh đất của tự do ngôn luận, tự do báo chí, chính quyền các nước này cũng đặt ra các điều khoản cụ thể quản lý thông tin trên internet và nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị xử lý.

Cảnh sát Italia từng bắt giữ một blogger 59 tuổi Roberto Mancini và xử phạt tới 16.900 USD do người này lên mạng đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống người khác.

Tại Pháp, Christopher cũng từng lên blog đưa những bài viết có nội dung chỉ trích thị trưởng thành phố Puteaux mà nội dung mang tính xuyên tạc, bịa đặt. Christopher đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ và xử lý.

Tòa án Ai Cập kết án 3 năm tù giam đối với blogger Suleiman, 22 tuổi. Suleiman bị cáo buộc đã có hành vi phỉ báng đạo Hồi, đồng thời y còn bị phạt thêm 1 năm tù do có hành vi viết bài phỉ báng Tổng thống trên mạng internet.

Còn tại Mỹ, chuyện blogger viết bài xuyên tạc trên mạng và bị kiện, xử lý trước tòa cũng không hiếm như việc blog đăng ảnh của diễn viên nổi tiếng Jennifer Aniston mà không được phép. Ông James Buss, giáo viên Trường Trung học Milwaukee bị bắt vì đã vào blog của các nhà chính trị bang Wisconsin với lời bình mang biệt danh “Người quan sát” (Observer), kích động vụ một thiếu niên xả súng ở Trường Trung học Columbine làm 12 học sinh và một giáo viên thiệt mạng hồi tháng 4/1999.
Ở Liên bang Nga, ngày 30/7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật sửa đổi về internet của Nga. Luật này quy định hoạt động của các website chứa những thông tin bị coi là nguy hiểm đều bị nghiêm cấm. Đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ký ban hành luật chống vu khống. Người nào có hành vi vu khống, kể cả việc lên mạng internet vu khống, sẽ bị xử phạt nhiều mức, trong đó có cải tạo và phạt tiền lên đến 5 triệu rúp. Nga cũng như nhiều nước tư bản khác quy định rõ việc lợi dụng internet để xâm hại chính quyền, an ninh quốc gia và những hành vi này sẽ bị phạt nặng.
Như vậy, tùy điều kiện chính trị, xã hội từng quốc gia mà có các quy định quản lý khác nhau về thông tin trên internet, song nguyên tắc chung là không chấp nhận việc thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cao hơn là xâm phạm an ninh quốc gia. Có ý kiến cho rằng blog là nhật ký nên họ có quyền tự do viết bất kỳ những gì họ muốn. Tuy nhiên, blog chỉ coi là nhật ký cá nhân nếu được đặt chế độ riêng tư (chỉ có chủ nhân blog đó đọc được). Còn khi viết blog công khai trên mạng, thì người viết phải chịu trách nhiệm về nội dung đưa lên. Hiện, một số blog bằng nhiều cách đã “câu” sự tò mò của người đọc, khiến lượng độc giả khá lớn, không thua kém trang báo điện tử.
Từ những viện dẫn trên, việc Nhà nước ta đưa ra các quy định quản lý thông tin trên internet cũng như xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm là phù hợp thực tiễn chung. Do đó, không thể chụp mũ thông tin trên blog, mạng xã hội là “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”. Ngày 23-8-2001, Chính phủ có Nghị định số 55, quy định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet. Nghị định này nghiêm cấm: “Lợi dụng internet để chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây rối loạn an ninh, trật tự; vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác”.

-----------------------------------------------------------

Chia sẻ tin này :

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến

 
Copyright © 2012. Quan Làm Báo - All Rights Reserved
Mọi đóng góp, ý kiến xin gởi đến quanlambao1@gmail.com