Trong diễn biến có liên quan, ngày 6/9/2012 trên trang Businessweek của Bloomberg xuất hiện bài viết có tiêu đề “Vietnam Risks Biggest East Asia IMF Rescue Since 1990s: Economy” (tạm dịch: Việt Nam có nguy cơ trở thành quốc gia lớn nhất Đông Á kêu gọi IMF giải cứu kể từ những năm 1990) của hai tác giả Nguyen Dieu Tu Uyen và Stephanie Phang, với hàm ý hệ thống tài chính của Việt Nam đang đối diện với nhiều nguy cơ và cần tìm đến sự cứu trợ của IMF để giải quyết nợ xấu.
Trong bài viết, hai tác giả có đề cập đến một số nội dung liên quan đến “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012: Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”, cụ thể là một số nội dung trong chương 3 “Bất ổn thị trường tài chính” mà ông Đinh Tuấn Minh là tác giả chính, như là một trong các minh chứng cho nhận định của mình.
Trao đổi với VnEconomy, tác giả Đinh Tuấn Minh nói, những chi tiết mà bài báo trên Bloomberg đề cập liên quan đến nội dung của “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012” là rất thiếu chính xác.
Theo ông Minh, các phân tích, nhận định, quan điểm của từng chương trong “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012” là của riêng các tác giả, không phản ánh quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng như Ban quản lý dự án. Điểm này đã được nhắc đến trong phần Lời giới thiệu (trang 18) của báo cáo. Việc các tác giả bài báo trên Bloomberg coi những phân tích và nhận định trong báo cáo là của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã gây ra những hiểu lầm rất lớn cho độc giả rằng đó là quan điểm của tổ chức thay vì đơn thuần đó là quan điểm của một cá nhân.
Thứ hai, chi tiết “the nation may need IMF aid to recapitalize banks and must act quickly to clean up bad debt…” (tạm dịch: Quốc gia (tức Việt Nam) có thể cần đến trợ giúp của IMF để tái cấp vốn cho các ngân hàng và phải hành động nhanh chóng để làm sạch nợ xấu…) mà các tác giả nói rằng trích nguồn từ “Báo cáo” hoàn toàn suy diễn và sai lệch ý của tác giả.
“Khi đề cập đến các giải pháp có thể sử dụng để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, chúng tôi khuyến nghị cần hình thành “quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng”. Và để hình thành quỹ này cần có nguồn vốn mà quĩ nên huy động để tránh gây ra lạm phát, cụ thể là: “Để đảm bảo quỹ này có thể hoạt động được thì Chính phủ cần chỉ rõ nguồn tiền cho quỹ sẽ được hình thành từ đâu, quỹ sẽ chỉ được sử dụng trong tình huống nào, cho mục đích gì, và khi nào thì quỹ sẽ đóng? Như phân tích ở trên, quỹ này chỉ nên sử dụng tiền tiết kiệm từ chi tiêu chính phủ hoặc phát hành trái phiếu để vay từ nền kinh tế chứ không phải là phát hành trái phiếu để Ngân hàng Nhà nước mua lại. Quỹ cũng có thể được hình thành từ các nguồn vốn vay từ IMF hoặc các quỹ quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Chỉ với nguồn hình thành như vậy thì mới tránh được nguy cơ gây ra lạm phát”, ông Minh nói.
Tác giả Đinh Tuấn Minh cũng nhấn mạnh, việc đề xuất tất cả các phương án có thể huy động nguồn vốn cả trong nước và ngoài nước là mang tính tổng thể những giải pháp có thể áp dụng, trong đó có IMF và trên thực tế các nước đều có dự phòng phương án này trong tình huống gặp khó khăn. Với khuyến nghị này tác giả đã chỉ rõ “quỹ tái cấu trúc”, nếu được hình thành, thì “chỉ nên sử dụng tiền tiết kiệm từ chi tiêu chính phủ hoặc phát hành trái phiếu để vay từ nền kinh tế”.
“Với nguồn nước ngoài trong đó có IMF, chúng tôi sử dụng cụm từ “cũng có thể” với nghĩa rõ ràng trong tiếng Việt rằng đó chỉ là một phương án sau chót khi không còn giải pháp nào từ nguồn trong nước; và chắc chắn đó không phải là phương án cần kíp ở thời điểm hiện tại”, ông Minh giải thích.
Ông Minh cũng cho rằng, với cách viết của hai tác giả Nguyen Dieu Tu Uyen và Stephanie Phang, những phương án chỉ có tính giả định và thứ yếu của báo cáo dễ dẫn đến hiểu sai lệch từ phía độc giả, cho rằng đó là phương án chính yếu mà tác giả bài viết khuyến nghị. Cách viết này có chủ ý phóng đại vì hai tác giả thậm chí nhắc đến phương án huy động vốn trong nước của Báo cáo ở phía dưới với cụm từ “Apart from the suggestion for Vietnam to seek an IMF loan to restructure the banking system…” (tạm dịch: Bên cạnh khuyến nghị Việt Nam tìm đến khoản vay của IMF để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng…).
“Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đã có những biến chuyển tương đối tích cực so với cuối 2011, vốn là bối cảnh hình thành báo cáo này. Lạm phát đã được kiểm soát, tỷ giá ổn định nằm trong biên độ của Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối tăng lên đáng kể, và thanh khoản của thị trường liên ngân hàng hiện rất dồi dào. Với bối cảnh mới này thì cá nhân tôi cho rằng kịch bản Việt Nam phải tiếp cận nguồn vốn của IMF, vốn dĩ đã là một giải pháp rất thứ yếu trong Báo cáo, sẽ lại càng thấp hơn nữa”, ông Minh nói thêm.
Nguồn: http://vneconomy.vn
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến