Đã giảm hai tập đoàn so với dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp tháng 9/2012, song Kiểm toán Nhà nước cũng đã tiếp thu đề nghị đưa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào kế hoạch năm 2013 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Với năm 2012, cập nhật kết quả đến hết tháng 9 từ 50 cuộc kiểm toán đã có báo cáo kiểm toán được phát hành, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiến nghị xử lý tài chính 2.930 tỷ đồng. Trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 348 tỷ đồng, giảm chi 664 tỷ đồng, xử lý khác 1.918 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán với lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngân hàng cho thấy, một số tổng công ty quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, chưa trích lập đủ dự phòng các khoản phải thu khó đòi hoặc trích lập không đúng quy định. Bên cạnh đó tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản cao, hiệu quả đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết không cao, đặc biệt là đối với các khoản đầu tư chứng khoán, ghi nhận doanh thu, chi phí chưa đầy đủ, kịp thời, xác định chưa đúng giá vốn...
Ở mục tiêu tổng quát của năm 2013, Kiểm toán Nhà nước đặt yêu cầu đánh giá được thực trạng đầu tư công, tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tài chính.
6 tập đoàn dự kiến kiểm toán trong năm 2013:
● Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam
● Tập đoàn Dệt may Việt Nam
● Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
● Tập đoàn Điện lực Việt Nam
● Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
● Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam
Nguồn: Kiểm toán Nhà nước
Theo đó, trong lĩnh vực ngân sách nhà nước nhà nước, ngoài báo cáo quyết toán năm 2012 tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 6 đơn vị so với kế hoạch kiểm toán năm 2012. Trong đó có 3 đơn vị đã được kiểm toán trong năm 2012 là Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng.
Trong số 16 bộ, ngành, cơ quan trung ương sẽ kiểm toán vào năm sau (tăng một đầu mối so với năm 2012), ngoài Ngân hàng Nhà nước thuộc diện kiểm toán thường xuyên hàng năm, còn 15 đầu mối khác chưa kiểm toán năm 2012.
Trong 6 tập đoàn (tăng 4 tập đoàn so với năm 2012) trong danh sách dự kiến kiểm toán, ngoài EVN và Petro Vietnam còn có Than - Khoáng sản, Dệt may, Công nghiệp Cao su và Bưu chính Viễn thông.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà có mặt trong danh sách 16 doanh nghiệp nhà nước khác trong danh sách dự kiến kiểm toán.
4 ngân hàng thương mại nằm trong kế hoạch chính thức gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Phát triển.
Cơ bản nhất trí với dự kiến đối tượng kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị tập trung kiểm toán hàng năm các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và tài sản nhà nước, sản xuất kinh doanh các mặt hàng độc quyền ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống từ đó đưa ra các nhận định toàn diện từ mô hình tổ chức, công tác quản lý, nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, chiến lược đầu tư trong và ngoài ngành, tình hình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước..., giúp Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách hợp lý trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
4 ngân hàng dự kiến kiểm toán trong năm 2013:
● Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương
● Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương
● Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
● Ngân hàng Phát triển
Nguồn: Kiểm toán Nhà nước
Ủy ban cũng đề nghị thực hiện kiểm toán các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ và những tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong những năm gần đây, kể cả những đơn vị đã được kiểm toán năm 2012, cũng như kiểm toán Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) để đưa ra những chính sách, kiến nghị hợp lý đối với mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới.
Đối với hoạt động của ngân hàng và các tổ chức tài chính, Ủy ban cho rằng cần tập trung đánh giá hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong thời gian qua. Cạnh đó là tình hình mua bán vàng, ngoại tệ và quản lý, sử dụng ngoại hối, tình hình Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng cũng như việc thực hiện các quy định về sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.
Quan điểm của Ủy ban là nên mở rộng phạm vi của những cuộc kiểm toán chuyên đề theo hướng cùng kiểm toán một nội dung chuyên đề được lựa chọn, để có thể đánh giá một cách toàn diện hơn, khái quát hơn về những nội dung này. Cân nhắc kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng đất đai tại các khu công nghiệp và chuyên đề quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách vì đây là những lĩnh vực đang được dư luận xã hội quan tâm.
Theo VnEconomy
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến