Với trên 90% phiếu thuận, đầu phiên họp sáng 8/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2013.
Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu gồm: GDP tăng khoảng 5,5%, CPI khoảng 8%, bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP, tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động…
Ở mục tiêu tổng quát, được đặt lên hàng đầu vẫn là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Tiếp đó là đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Ở các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội yêu cầu khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân.
Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát. Tiếp tục các giải pháp giảm nợ xấu, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Giảm hội họp, hạn chế lễ hội, cắt giảm các đoàn đi công tác nước ngoài bằng nguồn ngân sách, kể cả đối với các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhà nước cũng là yêu cầu được Quốc hội đưa ra tại nghị quyết.
Nghị quyết cũng nêu rõ, trong năm 2013 giải quyết cơ bản các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012, Quốc hội "phê" thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp, lãi suất, nợ xấu ngân hàng ở mức cao, hoạt động của một số ngân hàng thương mại thiếu minh bạch và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ từ nay đến cuối năm tập trung chỉ đạo giải quyết hàng hóa tồn kho và nợ xấu. Các ngân hàng thương mại phải chia sẻ và tham gia tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Bản tổng hợp thảo luận về tình hình kinh tế xã hội được cung cấp cho đại biểu trước phiên biểu quyết cũng phản ánh đa số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu: cho dừng hoạt động các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, mất khả năng thanh khoản, rà soát và tái cơ cấu lại cán bộ chủ chốt trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó cần phải đánh giá thực trạng và có biện pháp xử lý tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, xem xét lại vai trò chủ đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước, thay thế một số lãnh đạo ngân hàng nếu cần thiết.
Theo VnEconomy
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến