Những biện động cực lớn trong giao dịch cổ phiếu SHB trong mấy ngày qua khiến cho ngân hàng mới qua gai đoạn tái cấu trúc này trở thành tâm điểm chú ý.
SHB trong tâm điểm thị trường
Trong những ngày qua, các cổ đông khá phấp phỏng với kết quả kinh doanh quý III/2012 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Cho tới thời điểm này, đã có cả chục tổ chức tín dụng công bố báo cáo tài chính quý vừa qua với kết quả không mấy tích cực, nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm mạnh hoặc thậm chí thua lỗ.
SHB là 1 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, do vậy, việc thông tin về hoạt động kinh doanh được công bố muộn cùng với những biến động trên thị trường ngân hàng cũng như những biến động tại đơn vị này đang khiến tin đồn tốt, xấu lan rộng.
Thông tin gần nhất mà giới đầu tư nhận được từ SHB là kể từ khi sáp nhập Habubank vào SHB đã thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu của Habubank. Đây là 1 tin rất tích cực đối với SHB mới sau sáp nhập bởi nó đồng nghĩa với việc tình hình hoạt động chung của tổ chức tín dụng này sẽ được cải thiện.
Tin tốt có, nhưng tin đồn xấu cũng không ít. Giới đầu tư trong 2 ngày qua xôn xao với thông tin bà Bùi Thị Mai - nguyên tổng giám đốc Habubank - bị giáng chức và thuyên chuyển sang bộ phận thu hồi nợ từ ngày 1/11 sau chưa đầy tháng thử thách vị trí Phó tổng giám đốc ngân hàng SHB sau sáp nhập.
Lý do được đại diện SHB đưa ra cho biết, việc điều chuyển bà Mai đúng với quy chế và quy định tại ngân hàng. Những cán bộ liên quan đến nợ quá hạn, nợ khó đòi lâu ngày thì phải chuyển qua phòng thu hồi nợ để xử lý khoản nợ đó. Hơn nữa, sau khi sáp nhập, ban điều hành cũ cũng phải có trách nhiệm phối hợp với ban điều hành mới để cùng tiến hành thu hồi những khoản nợ cũ, khó đòi.
Những việc làm quyết đoán của bầu Hiển thì trong giới tài chính, hẳn ai cũng biết. Tuy nhiên, quyết định giáng chức gần như không có tiền lệ mà nhiều người Việt Nam vốn chưa quen nghĩ tới, cùng với bối cảnh hệ thống ngân hàng đang đối mặt với vấn nạn nợ xấu, lợi nhuận suy giảm, thua lỗ đang khiến nhiều nhà đầu tư đồn đoán theo nhiều hướng.
Nhìn vào diễn biến giao dịch cổ phiếu SHB trên TTCK trong gần 3 tuần qua có thể thấy rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến ngân hàng này. Cụ thể, trong các phiên gần đây giao dịch khớp lệnh cổ phiếu tăng vọt lên 5-7 triệu đơn vị/phiên, thay vì vài trăm ngàn như trước đó.
Trong phiên giao dịch 7/11, SHB đã trở thành tâm điểm trên TTCK với việc có tới hơn 11,2 triệu cổ phiếu được giao dịch thông qua khớp lênh với giá biến động từ mức giá sàn 4.500 đồng/cp cho tới trên giá tham chiếu 1 ly là 4.900 đồng/cp. Nhiều lệnh mua lớn vài trăm ngàn đến hơn triệu cổ liên tiếp được khớp.
Cổ phiếu SHB cũng ghi nhận 15 phiên giảm và đứng giá liên tiếp (4 phiên đứng giá) kéo giá từ 6.500 đồng/cp xuống 4.800 đồng/cp hôm 6/11.
Giao dịch bất thường của cổ phiếu SHB gần đây đang khiến cho giới đầu tư liên tưởng về khả năng có 1 sự gom hàng của các tổ chức, giống như đã xảy ra với khá nhiều cổ phiếu ngân hàng khác. Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại về khả năng SHB vẫn đang gặp nhiều khó khăn sau khi sáp nhập Habubank vào.
Tái cơ cấu ngân hàng: Sau cú đề-pa chờ đợi tăng tốc?
Có thể thấy, SHB đã rất vững vàng trong thời gian kinh tế suy thoái vài năm vừa qua. Từ một ngân hàng hàng không mấy nổi danh, SHB trở thành 1 ngân hàng khá nổi tiếng, trở thành ngân hàng nhóm 1 (theo phân loại của NHNN) cùng với các tên tuổi như ACB, Sacombank, Techcombank, VIB Bank, VP Bank, SeaBank…
Mặc dù vậy, SHB đang trong thời kỳ đầu sau sáp nhập, có lẽ còn rất nhiều việc làm, đặc biệt là vấn đề nợ xấu, xử lý nợ xấu, nợ xấu phát sinh và vấn đề nhân sự, tiết giảm chi phí… Việc điều chuyển bà Mai trong vài ngày qua cho thấy bầu Hiển vẫn đang tập trung mạnh vào thu hồi nợ xấu. Nó là một lời cảnh báo cho những cán bộ tín dụng đang tiến hành nghiệp vụ cho vay, cũng như nhiệm vụ của những người đã cho vay và có nợ xấu. Nếu theo hướng đó, thì SHB là 1 điểm sáng đầy tiềm năng.
Và việc cổ phiếu SHB giảm liên tục trong 15 phiên vừa qua, liệu có là hiện tượng đánh xuống đề gom hàng?
Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng, thị trường luôn phản ánh đúng thực tại của doanh nghiệp như Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng lý giải nếu lợi nhuận ngân hàng tốt thì giá cổ phiếu ngành ngân hàng phải tỷ lệ thuận với lợi nhuận đó.
Giới đầu tư tỏ ra khá lo ngại với những báo cáo của các ngân hàng, các doanh nghiệp, giống như trường hợp PVX, VCG hay Habubank trước khi sáp nhập vào SHB.
Còn nhớ, sau khi có chủ trương sáp nhập, Habubank đã bất ngờ báo lỗ 4.000 tỷ đồng (tương đương vốn điều lệ của ngân hàng này). Sau đó, các cổ đông của SHB đã bớt thiệt thòi khi được thưởng theo tỷ lệ 0,21 cổ phiếu.
Có thể thấy, quyết định sáp nhập 1 đơn vị như Habubank là rất khó khăn. Các số liệu về nợ xấu và những động thái khác lạ gần đây đang khiến thị trường đang đặt ra nhiều câu hỏi về tình hình sức khỏe thực sự của SHB hiện nay ra sao? Bao giờ SHB sẽ có kết quả quý III? Ngân hàng sau sáp nhập có gặp trục trặc gì mới không, về nợ xấu, về nhân sự? Có sự bất mãn nào không trong nhân sự SHB cũ và HBB cũ?...
Như vậy, sau vụ sáp nhập 3 ngân hàng thành ngân hàng SCB và vụ SHB-HBB cùng với những vụ việc đang được nhắc đến ở DaiA Bank, WesternBank… thị trường đang chờ những bước đi mới.
Mặc dù vậy, cú đề-pa lưng dốc của quá trình này có thành công tốt đẹp, các ngân hàng mới sau thâu tóm, sáp nhập sẽ hoạt động tốt hay không vẫn còn là 1 câu hỏi. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế theo 3 trụ cột như Chính phủ đã vạch ra có lẽ là hợp lý nhưng việc thực thi đến đâu và như thế nào mới là quan trọng nhất vì điều này cũng ảnh hưởng quyết định đến tái cơ cấu ngân hàng.
Việc sáp nhập 2 hay vài ngân hàng với nhau để một ngân hàng có quy mô lớn hơn hướng tới những bước hoạt động chất lượng cao hơn là điều rất được mong đợi và có thể xem là xu hướng phù hợp. Nhưng nếu các ngân hàng nhỏ yếu trong diện buộc phải tự nguyện sáp nhập với nhau thì cần phải giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với những ngân hàng tót, dù không buộc tái cơ cấu nhưng vẫn tìm đếm với nhau đe sáp nhập cho một mục tiêu lớn hơn thì đó là điều cần khuyến khích và hỗ trợ.
Mạnh Hà
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến