Với việc bỏ ra xấp xỉ 100 tỷ đồng, Hàng tiêu dùng Masan đã nâng tỷ lệ vốn sở hữu ở Vinacafé Biên Hòa lên 52,62% vốn điều lệ. Tuy nhiên,mặc dù VCF liên tục giảm giá, song Masan Consumer chỉ thực hiện 63% khối lượng cổ phiếu đăng ký mua.
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Corp) vừa có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu VCF của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM.
Theo đó, Masan Consumer đã mua vào 630.000 cổ phiếu VCF trên tổng số 1 triệu cổ phiếu đăng ký. Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian 1 tháng từ 2/10 đến 2/11 trên cả hai phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nguyên nhân không mua hết lượng cổ phiếu đăng ký được Masan Consumer giải thích, do diễn biến thị trường không phù hợp với chiến lược đầu tư của công ty.
Theo thống kê giao dịch tại HoSE, từ 2/10 đến 2/11, có 5 phiên VCF có phát sinh giao dịch thỏa thuận. Tổng khối lượng giao dịch của các lô này đạt 611,75 nghìn cổ phiếu trị giá gần 95 tỷ đồng.
Giá trị thị trường VCF trong vòng 1 tháng trở lại đây đã giảm mạnh từ 150.000 đồng xuống 141.000 đồng/cp.
Biên độ giảm giá của VCF trong vòng 1 tháng đã có lúc tới gần 10.000 đồng/cp. |
Trước giao dịch, Masan Consumer nắm giữ 13,35 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,25% vốn điều lệ. Sau giao dịch, số lượng cổ phần VCF mà Masan consumer sở hữu đã tăng lên 13,98 triệu đơn vị, tương đương 52,62% vốn điều lệ VCF.
Tại thông báo của Masan Consumer với giao dịch này, người đại diện để công bố thông tin là các ông Nguyễn Đăng Quang và Trương Công Thắng - thành viên Hội đồng quản trị VCF.
Đồng thời, ông Nguyễn Đăng Quang còn là còn là Chủ tịch HĐQT tại Masan Group (MSN) - công ty mẹ Masan Consumer, và cũng là Chủ tịch HĐQT tại cả công ty con này.
Ông Trương Công Thắng là Tổng giám đốc và là Thành viên Hội đồng quản trị của Masan Consumer.
Cách đây khoảng 1 năm trước, Masan Consumer đã đổ một lượng tiền lớn để mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ VCF. Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu VCF dao động 90.000-100.000 đồng/cp.
Hiện nay, Masan Comsumer đang đóng vai trò là cổ đông lớn nhất tại VCF, tiếp đến là Tổng công ty Cà phê Việt Nam với số lượng sở hữu là 9,91 triệu đơn vị, chiếm 37,3% vốn.
Các cổ đông đáng chú ý khác của VCF là Quỹ Barca Global Master, các ông Lê Hùng Dũng, Tô Hải, Phạm Quang Vũ, Lê Quang Chính, Đỗ Văn Nam, Bùi Xuân Thoa.
Đóng cửa giao dịch ngày 6/11, giá cổ phiếu VCF tăng 400 đồng, tương ứng 2,8% lên 145.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Dân Trí
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến